Kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Cập nhật: 17/11/2023 08:29

Theo chương trình Kỳ họp Sáu, trong tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Đây là nội dung luôn được cử tri, Nhân dân dành sự quan tâm, theo dõi.

Nhìn lại một năm qua cho thấy, các cơ quan chức năng đã xử lý hành vi tham nhũng một cách toàn diện, nghiêm minh; bảo đảm đồng bộ giữa việc xử lý về công tác tổ chức cán bộ – cho thôi giữ chức vụ; cho nghỉ công tác, với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Tòa án đã xét xử sơ thẩm 562 vụ/1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.

Điều đáng nói, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở Trung ương và địa phương, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm như: vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC); vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vụ án kit xét nghiệm Covid-19 Việt Á…

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như: các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trung tâm đăng kiểm một số địa phương. Nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực thi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn mét vuông đất trong các vụ án tham nhũng được thu hồi.

Chống tham nhũng là cuộc chiến “nội xâm” nhiều cam go, thách thức. Do đó, những kết quả trong năm 2023 đã cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan chức năng khi đấu tranh với tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, y tế, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi chúng ta tiếp tục kiên trì, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Số vụ án đưa ra xét xử, những bản án nghiêm khắc được tuyên với các đối tượng có hành vi tham nhũng đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, công tâm, khách quan của các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, số liệu này cũng phản ánh một thực trạng buồn trong công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực như: đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… vẫn có sự buông lỏng, quản lý còn hạn chế.

Đáng chú ý, trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Để khắc phục tình trạng này, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Cử tri, Nhân dân quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ muốn biết được trong năm qua các cơ quan chức năng đã thụ lý, giải quyết được bao nhiêu vụ việc, xét xử được bao nhiêu vụ án, đưa bao nhiêu đối tượng ra xét xử, hay có bao nhiêu tài sản do tham nhũng được thu hồi; mà điều quan trọng là, đằng sau số liệu đó, cử tri, Nhân dân mong muốn, Chính phủ xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả hơn. Và điều này cũng đặt trọng trách đối với các đại biểu Quốc hội ở phiên thảo luận sắp tới, làm sao chỉ rõ thực trạng, nguyên nhân và hiến kế những giải pháp hữu hiệu để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

theo Song Hà – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan