Cán bộ UBND phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội) tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các kiến nghị, bức xúc của nhân dân. (Ảnh: ÐĂNG KHOA) |
Nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền cách mạng
V.I.Lênin viết xong tác phẩm Thà ít mà tốt (1) ngày 2/3/1923. Báo Sự thật công bố trong số 49, ngày 4/3/1923. Thà ít mà tốt được V.I.Lênin viết cùng với nhiều tác phẩm khác, đặc biệt là các bức thư gửi Ðại hội XII của Ðảng, gửi các đồng chí lãnh đạo khác về nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh những trọng tâm là công tác cải tổ bộ máy nhà nước, công tác xây dựng đảng.
Với nhạy cảm chính trị đặc biệt, bằng sự phân tích và đánh giá về thực trạng bộ máy của Bộ dân ủy thanh tra công nông, V.I.Lênin đã nhìn thấy những yếu kém chung của bộ máy Nhà nước Xô viết lúc đó – mà theo Người, sự yếu kém đó là kết quả của một quá trình cải tiến bộ máy không hiệu quả. Khi viết về phương hướng, cũng là phương châm và yêu cầu trong việc giải quyết mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng các viên chức, V.I.Lênin yêu cầu phải vứt bỏ những tiêu chí chung về số lượng. Một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và hiệu quả không phải do số lượng và quy mô mà chủ yếu do chất lượng hoạt động.
Bộ máy nhà nước phải được tổ chức một cách hợp lý, không chồng chéo, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ phận. V.I.Lênin nhấn mạnh cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng. Phải chọn lựa và đào tạo được những nhân viên nhà nước có chất lượng không chê vào đâu được thì nhân dân mới tín nhiệm họ. Nhân viên của bộ máy đó phải có chất lượng cao và thật sự gương mẫu – Thà ít mà tốt. Công việc cải tổ bộ máy nhà nước cần phải có thời gian nhưng đồng thời lại phải làm ngay từng bước, sẽ rất khó khăn nhưng không thể không làm.
Ðể xây dựng hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ theo tinh thần “Thà ít mà tốt”, V.I.Lênin đã đề ra những quy định nghiêm khắc trong sinh hoạt Ðảng, mà về sau đã trở thành quy định đối với toàn bộ hoạt động của Ðảng. Người chỉ rõ rằng mối quan hệ trong Ðảng không thể dựa trên quan hệ bạn bè hoặc trên “lòng tín nhiệm” thiếu suy nghĩ và vô căn cứ, mà phải dựa trên Ðiều lệ Ðảng, “chỉ có sự chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ đó mới giúp chúng ta tránh được sự độc đoán và tùy hứng biểu hiện trong các tiểu tổ, tránh được những sự cãi vã ở tiểu tổ, những sự cãi vã mà người ta gọi là “quá trình” tự do của cuộc đấu tranh tư tưởng”(2).
Theo quan điểm của V.I.Lênin, thương yêu, bồi dưỡng cán bộ là điều không thể thiếu, tuy nhiên không vì thế mà buông lỏng kỷ luật đối với cán bộ. Người nêu quan điểm rất rõ ràng: phải gạt bỏ ra khỏi đảng những phần tử đã “quan liêu hóa”. Trước đó, trong Thư gửi Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản (b) Nga viết ngày 18/3/1922, V.I.Lênin yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, nếu các thẩm phán xét xử vụ án đó mà không chấp hành chỉ thị của Ðảng, sẽ bị đuổi việc, đồng thời sẽ khai trừ ra khỏi Ðảng những ai có ý định can thiệp vào việc xét xử của tòa án.
Một trong những bệnh mà những người cộng sản thường mắc phải khi đã nắm chính quyền là bệnh quan liêu. Bệnh này gây ra nhiều tai hại cho cách mạng, gây ra sự trì trệ trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng và những chỉ thị của chính quyền Xô viết. V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “bộ máy của chúng ta còn nhiều thiếu sót, nhiều hiện tượng xấu vì nó đã bị tệ quan liêu tiêm nhiễm nhiều, rất nhiều”(3). Nhận diện được bệnh quan liêu đã khó nhưng đấu tranh chống bệnh quan liêu còn khó hơn. V.I.Lênin cho rằng: “Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu đòi hỏi hàng chục năm. Ðấy là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn và nếu có người nào nói với các đồng chí rằng chúng ta sẽ lập tức thoát khỏi chủ nghĩa quan liêu nếu chúng ta thông qua các cương lĩnh chống chủ nghĩa quan liêu, thì đó chỉ là một kẻ bịp bợm, một kẻ thích nói cho văn hoa mà thôi”(4). Bên cạnh đó, những vi phạm pháp luật của nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nạn hối lộ cần phải được xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn tệ nạn này, không để chúng phát triển thành dịch bệnh sẽ khó chữa.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin
Từ năm 1923, V.I.Lênin đã không khoan nhượng với những yếu kém, khuyết điểm của bộ máy chính quyền cách mạng dù lúc đó các nước đế quốc đang tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc bản chất của Nhà nước Xô viết. Ðây là sự thừa nhận rất dũng cảm, rất cách mạng mà ngay cả về sau chính những người cộng sản kế thừa di sản của V.I.Lênin trên đất nước của Người không có được. Gần 70 năm sau, lịch sử đã chứng kiến cái giá phải trả cho sự thiếu dũng cảm, thiếu khách quan khi nhìn nhận và sửa chữa những khuyết điểm sai lầm của Ðảng Cộng sản Liên xô và các nước Ðông Âu là sự sụp đổ cả một mô hình chế độ.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và trí tuệ là vấn đề then chốt nhất quyết định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và sự tồn vong của chế độ trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hôm nay. Việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ theo tinh thần “Thà ít mà tốt” vẫn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Việc quán triệt và vận dụng những tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ theo tinh thần “Thà ít mà tốt” giúp Ðảng lựa chọn đúng cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Trong cả quá trình xây dựng Ðảng, quan điểm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin đã được Ðảng Cộng sản Việt Nam quán triệt và vận dụng. Khi viết Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi”(5). Hôm nay, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, “Ðảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hoá… trong nội bộ Ðảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”(6). Ðảng xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và đã kiên quyết thực hiện quan điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”. Ðó cũng là sự vận dụng trung thành quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần “Thà ít mà tốt”. Chúng ta tiếp tục triển khai với đòi hỏi cao về chất lượng và hiệu quả việc cải cách hành chính. Ðồng thời với việc cải tiến bộ máy là cải tiến chế độ công vụ, công chức, tài chính công; thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong các hoạt động; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các hoạt động của bộ máy. Một điều cần nhấn mạnh là kiên quyết tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị, không tăng thêm biên chế để có điều kiện cải cách chính sách tiền lương…
(1) V.I.Lenin – Toàn tập – Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tập 45, tr.442 – 460.
(2) V.I.Lenin (1979) – Toàn tập – Sđd, tập 8, tr.462.
(3) V.I.Lenin (1979) – Toàn tập – Sđd, tập 42, tr.456.
(4) V.I.Lenin (1979) – Toàn tập – Sđd, tập 42, tr. 309.
(5) Hồ Chí Minh (2011) – Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.326.
(6) Nguyễn Phú Trọng (2022) – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.30.