Bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Dự án
Đa số ĐBQH cho rằng, với tính chất đặc thù của Nghị quyết số 53/2017/QH14 và với đề nghị điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 53/2017/QH14, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), đây là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân dự án. Đồng thời, việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu là hợp lý.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng chỉ rõ, nguyên nhân được nêu trong báo cáo, tờ trình của Chính phủ khiến dự án bị chậm trễ và phải điều chỉnh không phải là nguyên nhân chính. Cụ thể, Chính phủ cho biết khi triển khai dự án rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng đại biểu nêu rõ, quyết tâm của tỉnh Đồng Nai và Chính phủ khi trình Quốc hội khóa XIV là sẽ bàn giao mặt bằng vào năm 2020, tức là trước năm 2021. Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn ra tại Đồng Nai là vào giữa năm 2021. Như vậy, đây không phải là lý do chính. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Chính phủ phải phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm và sau này khi triển khai dự án tương tự thì sẽ có những giải pháp phù hợp.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, nguyên nhân chỉ ra chủ yếu là khách quan mà không có chủ quan. Trong khi, dự án được triển khai từ năm 2017, công tác đo đạc, kiểm đếm… là những công việc phải được triển khai đầu tiên. Thêm vào đó, việc cho rằng dự án có quy mô khối lượng công việc lớn, tính phức tạp… đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mỉ cũng không phải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, bởi khi xây dựng dự án thì quy mô, khối lượng công việc là nội dung phải được rà soát rất kỹ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, cần có đánh giá sát thực hơn về những nguyên nhân dẫn đến chậm dự án so với tiến độ, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn thời gian lại tiếp tục chậm trễ thời gian tới.
Cần sự cam kết từ Chính phủ
Về yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14. Tuy nhiên, theo đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp này là từ hết năm 2021 cho đến hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm. Phân tích nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến là sẽ xong vào năm 2025? Liệu dự án có bị chậm, bị chậm trong bao lâu và ngoài việc điều chỉnh thời gian lần này thì còn có thể sẽ phải trình nội dung nào khác không? Do đó, cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ.
Theo Tờ trình, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là 19.207,504 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 16.697,132 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020). Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024.
Đa số ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ việc kéo dài gian giải ngân vốn đầu tư công đến 2024; cho rằng, kéo dài như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề xuất, Quốc hội thông qua chủ trương kéo dài để có cơ sở tiếp tục chi trả hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán dự án giải phóng bằng đến hết năm 2024. Theo đó, Trung ương sẽ cấp bổ sung vốn cho dự án, nếu không kéo dài thời hạn thanh toán thì Trung ương nên cấp bổ sung và chia làm 2 đợt: đợt 1 cấp ngay trong năm 2004; đợt 2 sẽ cấp khi có quyết định phê duyệt quyết toán và số vốn cấp đợt 1 do Chính phủ đề xuất và đưa ngay vào kế hoạch năm 2024 và giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Lý do, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh là, dự án vẫn có sự thay đổi về số liệu thanh, quyết toán do chưa kết thúc công việc chi trả đầy đủ các chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, sự điều chỉnh về phạm vi giải phóng bằng và đặc biệt là địa phương sẽ sử dụng một phần diện tích đã giải phóng bằng vào nhiệm vụ tạo quỹ đất phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ngoài quỹ đất tái định cư cho người dân và bố trí các thiết chế xã hội phục vụ người dân tái định cư. Như vậy, khi quyết toán sẽ minh bạch hơn.