Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của Nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Để chuẩn bị thông tin tham khảo phục vụ cho Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm tới, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, góp ý các quy định của dự thảo Luật để hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, áp dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc xây dựng dự án Luật và tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung về: tên gọi, quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật; định hướng và phạm vi điều chỉnh; xây dựng, quản lý, bổ sung thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng, quản lý, bổ sung thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, nhất là việc bổ sung thông tin sinh trắc học; giá trị sử dụng, tích hợp thông tin; đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp Giấy chứng nhận căn cước; trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong quản lý căn cước công dân, các cơ sở dữ liệu…
Về tên gọi, Tờ trình của Chính phủ thống nhất đổi tên thành Luật Căn cước, tuy nhiên, các đại biểu lưu ý, cần cân nhắc kỹ lưỡng vì nội hàm của “căn cước công dân” và “căn cước” khác nhau rất nhiều, ví dụ về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, điều kiện thực tiễn khi áp dụng Luật…
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước, một số đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước mà không quy định các quyền của cơ quan này là chưa hợp lý. Bởi trong hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, để các cơ quan thực hiện tốt công việc được giao, thì bên cạnh quy định trách nhiệm, nhiệm vụ thì đều quy định, giao cho các cơ quan này những quyền và thẩm quyền nhất định, tức là “trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị làm rõ nội dung trách nhiệm của các Bộ trong công tác phối hợp với Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng về căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.