Lãng phí còn nghiêm trọng

Cập nhật: 02/11/2022 15:01

  Nghị trường Quốc hội những ngày qua “nóng” câu chuyện lãng phí. Đúng là, cả khu vực công lẫn tư tình trạng lãng phí dễ nhìn thấy qua các dự án. Khu vực công, đó là dự án chậm tiến độ, dẫn đến “đội vốn” phải điều chỉnh; dự án kéo dài hàng chục năm khiến nguồn vốn đầu tư không phát huy tác dụng…

Ảnh minh họa

Nguyên nhân dự án công chậm tiến độ, bắt đầu từ chủ trương đầu tư, tầm nhìn ngắn hạn, do quá trình lập dự án, số liệu chưa chuẩn… dẫn đến thay đổi, điều chỉnh; thậm chí có dự án triển khai dở chừng đến giai đoạn kỹ thuật phải dừng lại và “đắp chiếu”.

Với khu vực tư cũng không tránh khỏi hai từ “lãng phí”. Đó là tình trạng nhiều dự án được chính quyền giao đất nhưng nhà đầu tư yếu năng lực, không còn tiền để triển khai. Thậm chí lấy đất để “xí phần” hàng chục năm nhưng vẫn không bị thu hồi. Nguồn lực đất đai không được sử dụng gây lãng phí, mất cơ hội của các nhà đầu tư khác, trì hoãn nhiều hoạt động kinh tế – xã hội ở vùng đó. Đáng tiếc, có nhiều dự án kiểu này ở vị trí “đắc địa”, trung tâm của nhiều thành phố, đô thị.

Điều đáng nói, trước đây chưa có Luật về Đầu tư công (Luật số 39/2019/QH14) thì đầu tư mang tính chất dàn trải, có nhiều dự án phê duyệt triển khai, không đủ vốn dẫn đến dừng lại. Sau gần 3 năm Luật này có hiệu lực, dù nhiều nội dung đã được các văn bản quy phạm pháp luật thấp hơn hướng dẫn, sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều dự án vướng mắc. Thể hiện muôn mặt như: giải phóng mặt bằng chậm, vướng mắc vào thanh tra, kiểm tra, xử lý khi đang thực hiện. Ngoài ra, còn do nhiều nguyên nhân khác dẫn đến dự án chậm gây ra những lãng phí, thất thoát, cả nguồn lực của cả hai khu vực công, tư.

Cách đây 10 năm, Quốc hội có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Luật số 44/2013/QH13, sửa đổi Luật số số 48/2005/QH11). Điều 2 giải thích: “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”. Rõ ràng đây là Luật rất quan trọng nhưng xem ra chỉ có tính chất “khuyến nghị”, khó đi vào cuộc sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Đáng tiếc, tình trạng lãng phí vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời nên hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao. Đây là điều mà cả cơ quan lập pháp, hành pháp, thậm chí là người dân cần nhìn nhận đầy đủ để khắc phục./.

Tin liên quan