Ca ngợi nghề dạy học, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất vì nó tạo ra con người sáng tạo“.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng vô danh”, Người còn khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất vất vả nhưng thật vẻ vang, không có thầy cô giáo thì không có giáo dục”.
Hòa trong không khí thi đua chào mừng 42 năm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam; 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, trường Tiểu học Trưng Trắc cũng có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa.
Tập thể giáo viên trường Tiểu học Trưng Trắc chụp ảnh lưu niệm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
Điểm nhấn ấn tượng và cũng là mở đầu cho chuỗi hoạt động chào đón ngày 20/11, đó chính là tiết dạy chuyên đề cấp Thành phố môn Mĩ thuật của cô giáo Nguyễn Thu Trang, đây là một tiết học vô cùng hấp dẫn với sự chuẩn bị công phu, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, linh hoạt và sáng tạo, ghi dấu ấn với các nhà trường.
Tiết Mỹ thuật chuyên đề cấp Thành phố thành công rực rỡ
Để tham dự Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Quận, nhà trường đã tổ chức Hội giảng và chọn ra 3 đại diện xuất sắc nhất: cô giáo Nguyễn Thị Hương, cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh, cô giáo Phạm Kiều Anh. Mỗi tiết dạy mang đến một nét đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều rất cuốn hút. Sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục truyền thống với áp dụng công nghệ hiện đại đã giúp học sinh hào hứng học tập và dễ dàng tiếp thu kiến thức.
Bên cạnh đó, Liên đội cũng triển khai nhiều hoạt động sôi nổi hướng về chủ điểm “ Tôn sư trọng đạo” của tháng 11 với các hình thức như: Thi đua học tập tốt, làm sản phẩm sáng tạo chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam – đó không chỉ là món quà tinh thần ý nghĩa mà còn là hoạt động để toàn trường cùng tận hưởng không khí trang trọng của ngày 20/11.
Mỗi em học sinh được trải nghiệm tự làm hoa, tập thể lớp sẽ cùng nhau tạo nên tác phẩm sáng tạo, mang thông điệp ý nghĩa với chủ đề Ngàn hoa dâng tặng Thầy cô. Đây là cơ hội để học sinh thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của mình bằng năng khiếu, tâm huyết, và cũng là dịp để các thành viên trong lớp gắn bó và đoàn kết hơn.
Để kỉ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, nhà trường phát động các khối lớp lên ý tưởng, tái hiện lại mô hình trường học từ thời phong kiến, thời kì kháng chiến đến hiện tại.
Với kiến thức lịch sử cùng khả năng sáng tạo không giới hạn, cùng sự ủng hộ góp sức nhiệt tình của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đã kết nối hiện tại với lịch sử hào hùng của dân tộc, mang tới bài học giáo dục sâu sắc, giúp học sinh hình dung rõ nét về sự kiên trì, dũng cảm vượt qua khó khăn gian khổ, sự hiểm nguy của bom đạn để được đến trường. Những lớp học đơn sơ dựng bằng vách liếp, đắp đất, những chiếc bàn gỗ cũ mọt, sách vở bút mực còn thiếu thốn,…càng làm tăng thêm tinh thần quyết tâm chống giặc dốt, hi vọng vào một ngày không xa, tổ quốc hòa bình, những lứa học sinh ấy sẽ mang kiến thức bổ ích giúp đất nước phát triển.
Với mô hình lớp học thời kì phong kiến, thầy đồ tóc bạc phơ ngồi bên chõng tre, nghiêm khắc dạy chữ cho những chú bé tóc để trái đào, khối 3 muốn mang tới thông điệp về những mặt tích cực của giáo dục Việt Nam thời phong kiến, đó thực sự là đòn bẩy cho tinh thần học tập, bồi đắp nguyên khí quốc gia trong những giai đoạn phát triển của lịch sử giáo dục dân tộc. Dấu ấn đặc trưng của thời kì này là đề cao Nho học, tập trung dạy Lễ và Văn. Văn Miếu- Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của đất nước ta được xây dựng trong thời kì này, đây là nơi đã nung đúc tinh hoa và trí tuệ của dân tộc qua các kì thi lớn.
Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, khẩu hiệu “Tiền tuyến xung phong, Hậu phương diệt giặc dốt” được dán khắp các lớp bình dân học vụ. Các lớp học chủ yếu mở vào buổi tối, dùng đèn dầu để thắp sáng, học sinh thuộc mọi lứa tuổi. Vì thiếu thốn, nhiều nơi dùng chõng tre làm bàn, bảng có khi là bức tường, cánh cửa hay tấm phản dựng lên, gạch non, than củi và đất sét khô làm phấn, bút là thân cỏ vót nhọn, lấy mực từ bất cứ cây hoặc hoa có thể ra màu. Ở thời kì này, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, phong trào xóa nạn mù chữ diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp cả nước.
Không sợ đạn bom, chỉ sợ cái dốt, lớp bình dân học vụ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong những năm tháng chống đế quốc Mĩ. Học sinh đến lớp bằng đôi chân trần, đầu đội mũ rơm để tránh đạn, phần lớn được học trong nhà dân hoặc dưới hầm trú ẩn. Khối 4 đã mang tới hội thi mô hình trường lớp thời chống Mĩ với lán học dựng tạm cạnh hầm trảnh bom, những chiếc mũ rơm được chính bàn tay khéo léo của các cô giáo đan bện, chiếc loa báo máy bay, kẻng báo động,… Bao khó khăn gian khổ đó không thể ngăn bước chân các em tới trường.
Sau ngày hòa bình lập lại, nền giáo dục thống nhất trong cả nước đã phát triển đại trà, bao phủ cả vùng nông thôn và miền núi. Phong trào “Toàn dân đi học” được khơi dậy và hưởng ứng mạnh mẽ, tuy nhiên điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất, sách vở còn gặp nhiều khó khăn.
Bước vào thời kì đổi mới, sự nghiệp giáo dục chuyển sang giai đoạn cải cách sâu rộng, mô hình học tập trong thời kì kháng chiến được giải thể, kết thúc một giai đoạn lịch sử hào hùng và đầy ấn tượng.
Mô hình trường lớp thời hiện đại được tập thể giáo viên và phụ huynh học sinh khối 1 thể hiện đã nêu rõ nhiệm vụ dạy và học trong thời đại mới, thời đại mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, đặt ra thách thức cho ngành giáo dục. Ở thời kì này, người thầy không chỉ là người cung cấp, truyền đạt thông tin tri thức cho người học mà còn có nhiệm vụ giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực bản thân.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối tháng 11, không khí ở trường Tiểu học Trưng Trắc như ấm áp hơn lên bởi chương trình kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam – ngày để mỗi học sinh nói lời tri ân đối với thầy cô, ngày để giáo viên học sinh toàn trường tri ân các thế hệ thầy cô giáo.
Mở đầu chương trình, cô giáo Đoàn Thị Thúy Giang – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường trang trọng đọc diễn văn khai mạc.
Trong ngày vui này, nhà trường còn nhận được sự quan tâm động viên từ các ban ngành đoàn thể Đảng ủy, UBND, MTTQ phường Đồng Nhân, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng.
Niềm vui tăng dần và lan tỏa hơn khi các em được xem những tiết mục văn nghệ do chính CMHS và các bạn học sinh lớp 4A4 trong nhà trường thể hiện.
Toàn trường như lặng đi, trái tim bé nhỏ của các em học sinh chợt rưng rưng khi giai điệu trầm hùng của ca khúc “Máu đỏ da vàng” vang khắp, ngợi ca dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng phi thường, vượt qua chông gai bằng sức mạnh đoàn kết. Trên nền nhạc hào hùng ấy, các thầy cô giáo và các em học sinh đã biểu diễn tiết mục múa tuyệt vời trong trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Biết bao ánh mắt tự hào của các em khi thưởng thức tiết mục.
Ngày Nhà giáo Việt Nam còn là dịp để giáo viên học sinh toàn trường tri ân thế hệ nhà giáo lão thành.
Chùm hoạt động kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam thực sự đã mang ý nghĩa vô cùng lớn lao, giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, lòng biết ơn của học sinh đối với thầy cô, đồng thời đã để lại ấn tượng sâu sắc, tạo động lực cho các thầy cô tiếp tục lao động hăng say, chắp cánh cho ước mơ của các em mãi bay cao, bay xa trên bầu trời tri thức.