Việc quản lý, sử dụng đất ở khu vực Cửa khẩu (CK) Chi Ma thuộc trách nhiệm BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (BQL). Theo các quyết định của UBND tỉnh, tổng diện tích BQL này được giao để quản lý là hơn 461.000m2.
Trong đó, diện tích đất hạ tầng, đất cơ quan, giao thông, đất khác hơn 200 nghìn m2; đất giao, cho thuê để thực hiện dự án (DA) đầu tư hơn 259 nghìn m2; diện tích đất chưa thực hiện giao, cho thuê hơn 1 nghìn m2 đất sản xuất kinh doanh cạnh DA bến xe, kho hàng khu vực CK Chi Ma và đối diện khu vực tái định cư.
Theo phản ánh của người dân địa phương, cơ quan được giao quản lý và chính quyền địa phương đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý dẫn đến hàng loạt DN lấn chiếm đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp và xây dựng hàng loạt công trình không giấy phép xây dựng (GPXD) nhiều năm qua.
Tháng 10/2020, Chủ tịch huyện Lộc Bình có Quyết định 5318/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm về đất đai, đầu tư xây dựng với các DA ngoài ngân sách tại khu vực này.
Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, trong 21 DA thì có 14 DA có sai phạm về lĩnh vực xây dựng và đất đai. Về đất đai, xác định, DA “Địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa XNK, kho ngoại quan lưu giữ hàng hóa XNK nông sản – thủy sản, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, khu chế biến hàng hóa XNK CK Chi Ma, tại khu CK Chi Ma” do Cty TNHH Xây dựng Vĩnh Long là chủ đầu tư đã lấn đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn; lấn đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
“DA Bến xe ô tô hàng hóa XNK Chi Ma” do Cty CP đầu tư phát triển Thăng Long Lạng Sơn là chủ đầu tư đã lấn đất phi nông nghiệp.
“DA Bến xe, kho hàng khu vực cửa khẩu Chi Ma” do Cty CP dịch vụ XNK tổng hợp Chi Ma HTT là chủ đầu tư lấn đất phi nông nghiệp. Với DA này, cơ quan chức năng buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn. Ngoài ra, Cty này còn xây dựng công trình sai nội dung GPXD được cấp.
Xây dựng loạt công trình không phép, sai phép
Về đầu tư xây dựng, cơ quan chức năng chỉ rõ hàng chục DN đã thi công xây dựng công trình không có GPXD hoặc thi công xây dựng sai nội dung GPXD được cấp với công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Điển hình như Cty TNHH Tuấn Minh xây công trình phép và sai phép được cấp tại DA “Kho bãi xếp dỡ hàng hóa cửa khẩu Chi Ma”; Cty TNHH Xây dựng Vĩnh Long xây công trình phép và sai phép được cấp tại Dự án “Địa điểm tập kết…”.
Cùng vi phạm về đầu tư xây dựng này là Cty TNHH MTV Xây dựng & Thương mại tổng hợp Thanh Hải; Cty TNHH MTV Trần Quang Nghĩa; Cty CP đầu tư thương mại du lịch Thăng Long Hà Nội và Cty CP đầu tư thương mại Phú Gia Hà Nội; Cty TNHH Kim Phúc Hà; Cty CP đầu tư phát triển Thăng Long Lạng Sơn; Cty CP DV XNK tổng hợp Chi Ma HTT; Cty TNHH Thương mại tổng hợp Ngọc Anh…
Các cơ quan chức năng buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm thuộc các DA: Kho bãi xếp dỡ hàng hóa cửa khẩu Chi Ma của Cty Tuấn Minh; Khu dịch vụ kinh doanh tổng hợp – Địa điểm tập kết kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Trần Quang Nghĩa của Cty Trần Quang Nghĩa; Văn phòng giao dịch, trưng bày giới thiệu sản phẩm và kho hàng hóa tổng hợp của Cty Kim Phúc Hà; Đầu tư xây dựng công trình dịch vụ thương mại khu cửa khẩu Chi Ma – Lạng Sơn của Cty Ngọc Anh…
Còn lại, gia hạn với 5 DA, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp GPXD; GPXD điều chỉnh. Hết thời hạn này, DN không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt các giấy phép trên thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Nhiều ý kiến thắc mắc: Việc hàng chục DN thực hiện các DA sai phạm về đất đai, đầu tư xây dựng ở khu vực cửa khẩu Chi Ma đã xảy ra nhiều năm, có DA đã hết thời hiệu xử phạt, nhưng vì sao năm 2020 địa phương mới kiểm tra, lập biên bản?