Nghệ sĩ cũng là người bình thường!
Tại tọa đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng” vừa tổ chức mới đây, bàn về vấn đề cá nhân làm thiện nguyện, Thái Thùy Linh dẫn chứng lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ Hoài Linh mới đây và đặt vấn đề: Làm từ thiện từ bao nhiêu tiền sẽ phải khai báo cho ai? Giữ tiền bao lâu thì bị xử lý?…
Ca sĩ Thái Thùy Linh, là tốp 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu do T.Ư Đoàn bình chọn cho biết, những chương trình của cô hơn 10 năm qua nói chính xác là tình nguyện chứ không hẳn là từ thiện. Bởi hoạt động thiện nguyện của cô ngoài việc giúp đỡ trực tiếp người yếu thế, còn có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn là hướng cho nhiều người trẻ – những người đang chật vật đi tìm lý tưởng sống thành người tử tế. Điều ý nghĩa nhất trong quá trình làm thiện nguyện là làm cho nhiều thanh niên sống hướng thiện hơn.
Ca sĩ Thái Thùy Linh bày tỏ: “Gần đây có nhiều thị phi liên quan đến nghệ sĩ và thiện nguyện nhưng tôi tin tưởng vào con đường mình đang đi và công việc mình đang làm. Tôi luôn luôn xác định khi làm thiện nguyện là vì ai, mình muốn giúp gì cho họ và đã giúp được chưa chứ không quá quan tâm đến việc người ta nghĩ và đánh giá như thế nào. Nếu không giải quyết được các câu hỏi đó thì sẽ dừng lại công việc này từ rất sớm”.
Chia sẻ về sự minh bạch, cô tiết lộ: “Hơn 10 năm nay, tôi đã tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện và mỗi chương trình đều có ban kế toán và kiểm toán. Tại sao gọi là “ban” vì không bao giờ là một người làm. Những người tham gia làm thiện nguyện không có đủ thời gian toàn tâm toàn ý như làm công ăn lương được. Tôi cũng không thể bắt các tình nguyện viên dành toàn bộ thời gian và chất xám của mình để làm thiện nguyện được. Chính vì vậy, bao giờ cũng phải có nhiều hơn 1 người tham gia giám sát thu chi, kiểm toán… Với quỹ càng lớn càng nhiều sự giám sát chéo. Như hiện nay, trong chiến dịch “Người Việt thương nhau” mà tôi khởi xướng có ban kiểm toán gồm 7 tình nguyện viên ở những vị trí khác nhau và tất cả mọi người sẽ cùng kiểm tra chéo. Mọi thu chi không chỉ một người biết.
Gần đây, cô được Ngân hàng Quân đội cấp một tài khoản gọi là “Tài khoản minh bạch thiện nguyện” – mọi người có thể vào xem sao kê 24/7, không cần mật khẩu. Thái Thùy Linh cho rằng đây là một bước tiến trong hoạt động thiện nguyện, tránh được nhiều hệ lụy và thị phi.
Đồng thời, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng bày tỏ, lâu nay công chúng đòi hỏi nghệ sĩ nhiều quá, vừa đòi hỏi họ giữ hình ảnh đẹp, vừa phải bốc vác, điều hành hoạt động thiện nguyện, làm truyền thông… trong khi nghệ sĩ cũng là người bình thường. Chính vì thế, những gì mình không giỏi thì tìm người giỏi làm với mình. Đi cùng nhau như thế mới có thể thực hiện được các chương trình lớn, giúp đỡ nhiều người. “Ví dụ, trong 7 năm, tôi mang được 1,5 triệu bộ quần áo lên miền núi. Phải biết tối ưu nguồn lực, tôi chỉ là người đứng ra khởi xướng và kết nối mọi người làm. Điều này mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tự mình làm tất cả”.
Minh bạch để bảo vệ niềm tin của mọi người
Cùng với đó, MC Phan Anh cũng bày tỏ quan điểm, luôn ủng hộ tuyệt đối việc sao kê, minh bạch, không phải việc minh bạch trong việc từ thiện mà mọi vấn đề trong xã hội. Và đã minh bạch không chỉ bảo vệ mình mà bảo vệ niềm tin của mọi người, rằng điều tử tế trong xã hội này vẫn tồn tại. Niềm tin đó rất có ý nghĩa trong cuộc sống xã hội ngày hôm nay.
“Nếu bạn không làm từ thiện, tôi không đòi hỏi bạn minh bạch, nhưng bạn làm mà, bạn phải chuyên nghiệp chứ. Nếu bạn thấy sai thì bạn nhận đi. Nhưng nếu còn bạn làm từ thiện thì công chúng có quyền đòi hỏi sao kê, đòi hỏi chứng từ, đòi hỏi minh bạch của người nghệ sĩ. Chính bản thân tôi cũng có sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi không phải là người kế toán làm sao chứng từ đầy đủ mà đúng theo quy định Nhà nước. Và cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng, thì trước hết phải đúng đi, cố gắng đúng đi. Mình là nghệ sĩ, mình không phải là kế toán nhưng mình cũng phải cố gắng, trong ê kíp của mình cũng phải có những người chuyên nghiệp để giúp mình làm đúng” – MC Phan Anh nhấn mạnh.
MC Phan Anh nhớ lại ngày đầu tiên kêu gọi: “Trong 1 ngày tôi nhận 8 tỷ đồng, tôi liền tự nhủ mọi việc đang quá sức mình, mình có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận của mọi người, thích sự tin tưởng của mọi người. Cái “tham” đó khiến mình không tỉnh táo, bị cảm xúc chế ngự. Mình biết bản thân chỉ là cá nhân, sức mình có hạn nhưng giờ nhận được nguồn rất lớn nên không lường trước mọi thứ xảy ra. Thậm chí, lường trước vẫn bị cái “tham” đó dẫn mình đi”, Phan Anh tâm sự.
Và một thời gian dài, anh đã đau khổ và suy nghĩ tại sao mình làm việc tốt mà vẫn bị thị phi. Anh cố gắng đi trả lời câu hỏi tại sao mà quên mất mục đích bản thân làm từ thiện. “Lẽ ra, khi bà con nhận được quà, tôi phải vui mới đúng. Nhưng, tôi đã quên những điều ấm áp đó. Tôi loay hoay mong chờ mọi người khẳng định việc mình làm là điều tốt. Lúc này, từ thiện không chỉ cho bà con mà làm cho cả chính mình. Tôi đã không ghi nhận được cái tham, sân, si của mình trong quá trình đó, không nhìn ra cái sai của mình”, anh bộc bạch
Từ góc độ thực tiễn, là một trong những người nổi tiếng đi làm từ thiện và cũng vướng không ít thị phi, Phan Anh cho rằng các cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện là việc được pháp luật khuyến khích, chỉ có điều làm thế nào cho đúng thôi. Nếu cá nhân làm không đúng, vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Bởi thế, khi sao kê từ thiện đang được quan tâm dữ dội, MC Phan Anh đã tung ảnh 6,5kg giấy sao kê 24 tỷ đồng anh kêu gọi cứu trợ miền Trung hồi năm 2016…
Lòng tốt thiếu lý trí sẽ nguy hiểm
Trả lời câu hỏi có thể giữ tiền bao lâu của ca sĩ Thái Thùy Linh, Tiến sĩ Luật, ĐBQH khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng cho rằng về việc giữ tiền lâu thì nên có chế tài rõ ràng. Theo ông, có những thứ không bàn về thời gian, nhưng có những thời điểm nếu không làm ngay thì là muộn. Như trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh. Anh vận động từ thiện vì mục đích gì, nếu vì bão lũ thì phải giải ngân ngay trong thời gian xảy ra bão lũ, nếu bão lũ qua rồi thì không còn ý nghĩa gì…
TS Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết, thời gian qua, rất nhiều cử tri, người dân cũng rất quan tâm về vấn đề làm từ thiện. Từ thiện tùy thuộc vào cái tâm, cái đức của mỗi người. Chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64.
Theo đó, Nghị định này chỉ cho phép các tổ chức, đơn vị kêu gọi vận động cứu trợ bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương, các quỹ xã hội từ thiện và các cơ quan thông tin đại chúng bao gồm báo, đài truyền thanh, truyền hình… .
Nghị định cũng quy định về cơ quan tiếp nhận bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương và các đơn vị, tổ chức được Mặt trận Tổ quốc cho phép đứng ra tiếp nhận. Như vậy theo quy định không có một tổ chức, cá nhân nào khác ngoài quy định này được kêu gọi từ thiện.
Ngoài ra còn một Nghị định rất quan trọng nữa là Nghị định 93 quy định về quỹ xã hội từ thiện, theo đó các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội. Như vậy có thể thấy, hiện có nhiều quy định liên quan đến hoạt động từ thiện.
Ca sỹ Thái Thùy Linh và MC Phan Anh. |
“Ở đây, nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64, có thể thấy rõ việc cá nhân kêu gọi ủng hộ đã là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh 3 ý: Một là, phải khẳng định làm từ thiện mang tính trách nhiệm xã hội, tôi cho rằng, hiện nay dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng cũng là tốt, không nên cấm cá nhân làm từ thiện, nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát.
Thứ hai, phải quy định những người đủ năng lực để làm và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm. Anh Phan Anh, chị Thủy Tiên hay chị Thái Thùy Linh thời gian qua làm từ thiện đều đang mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện.
Thứ ba, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi. Cá nhân tôi cho rằng, không nên cấm cá nhân làm từ thiện. Quan điểm của tôi là cần phải xã hội hóa công tác từ thiện, nhưng phải có cơ chế để kiểm soát việc làm từ thiện của cá nhân”, theo TS Nhưỡng.
Tiến sĩ Luật, ĐBQH khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng:”Cá nhân làm từ thiện, muốn tránh thị phi là khó, tôi nhớ Khổng Tử có nói: Phàm là quân tử đừng buồn vì người khác không hiểu mà chỉ buồn vì không có khả năng mà thôi. Bởi vậy, chúng ta không nên buồn vì thị phi khi chúng ta đang làm điều tốt.
Làm từ thiện tức là phải cầm tiền, mà tiền thì dễ gây thị phi. Bởi vậy, theo tôi, với những người làm từ thiện cần phải rõ ràng, anh làm từ thiện dựa trên nhu cầu của người nhận sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, làm từ thiện phải làm từ tâm, đừng thấy thị phi mà từ bỏ. Muốn chống thị phi phải tiếp tục làm đúng”.