Một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 02/2024

Cập nhật: 02/02/2024 08:10

Từ tháng 02/2024, một số chính sách mới của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực như: Nghị định 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam; Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Nghị định số 90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ;…

Ảnh minh hoạ.

Ban hành quy định mới về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Trong đó quy định điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam có hiệu lực từ ngày 02/02/2024. 

Theo quy định này, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam phải đáp ứng một trong 04 điều kiện, tiêu chuẩn sau:

– Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền;

– Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

– Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

– Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đối tượng áp dụng:

– Cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống.

– Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan tới hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

– Nghị định này không áp dụng đối với cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân theo quy định trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:

– Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

– Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.

– Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của đất nước; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân theo quy định tại nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:

– Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

– Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.

– Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của cộng đồng địa phương; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

– Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị định 93/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2024.

Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ 01/2/2024

Có hiệu lực từ ngày 01/2/2024, Nghị định số 90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Trong đó, Nghị định quy định rõ mức thu phí sử dụng đường bộ đối với từng loại phương tiện.

Nghị định quy định tính, nộp phí sử dụng đường bộ theo chu kỳ kiểm định; nộp phí sử dụng đường bộ theo năm dương lịch; nộp phí sử dụng đường bộ theo tháng.

theo MAI HUỆ – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/mot-so-chinh-sach-moi-cua-chinh-phu-co-hieu-luc-tu-thang-02-2024-1706829502.html

Tin liên quan