Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và bảo đảm thực hiện việc bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động

Cập nhật: 10/07/2023 12:21

Bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm về công việc, tiền lương, tiền công, các quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hợp đồng lao động của người được bảo vệ khi tham gia vào quá trình tố cáo.

1. Khái niệm

Bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm về công việc, tiền lương, tiền công, các quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hợp đồng lao động của người được bảo vệ khi tham gia vào quá trình tố cáo.

Cùng với việc bảo vệ các quyền con người nói chung theo quy định pháp luật, việc bảo vệ việc làm cho người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động là cần thiết, bởi lẽ, họ có quyền tố cáo và quyền được bảo vệ việc làm theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, đây là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, họ làm việc dựa trên sự thỏa thuận về tiền lương, tiền công, điều kiện làm việc và công việc cụ thể với người sử dụng lao động, khi đứng ra tố cáo những vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín, danh dự… liên quan đến người sử dụng lao động thì họ dễ đứng trước nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động hoặc không được tạo điều kiện thuận lợi trong công việc, trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển bản thân nếu đứng ra tố cáo…

Với cách hiểu “Người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đối với một số công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp”(1) thì người tố cáo là lao động hợp đồng gồm người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động, về cơ bản, trường hợp này thuộc về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; người tố cáo là lao động hợp đồng ở một số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường hợp này, cơ bản thuộc về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Bản chất của tố cáo là lên án, “vạch tội” hành vi vi phạm của người bị tố cáo, do đó, người tố cáo có nguy cơ bị người trả thù bởi người bị tố cáo là rất lớn. Một trong những đặc điểm lớn nhất của người tố cáo là người làm việc theo hợp động lao động khi đứng ra tố cáo đó là nguy cơ mất việc làm, bị trù dập, ảnh hưởng đến công việc, thu nhập, tiền công, tiền lương của người tố cáo. Bởi lẽ, đây là nhóm lao động yếu thế, họ làm việc dựa trên sự thỏa thuận về công việc, tiền lương, tiền công, sự quản lý, giám sát của người sử dụng lao động, phần lớn việc làm của người lao động phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng lao động của người sử dụng lao động, do đó, người sử dụng lao động là chủ thể chính trong việc quyết định vấn đề việc làm của người lao động. Đồng nghĩa với việc đó, việc làm của người lao động cũng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu, ý chí của người sử dụng lao động. Khi việc tố cáo có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, uy tín, danh dự… của người sử dụng lao động thì nguy cơ mất việc làm của người lao động là rất lớn. Trong khi đó, việc bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động còn thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện, nhiều quy định còn mang tính hình thức, thiếu tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.

 2- Yếu tố bảo đảm trong bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động.

 Một là, cơ sở pháp lý: Cơ sở pháp lý là căn cứ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm cho người tố cáo. Việc quy định trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… trong bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động là căn cứ, cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm cho người tố cáo. Các quy định bảo vệ việc làm của người tố cáo là lao động hợp đồng cần mang tính khả thi; đồng thời, để góp phần bảo đảm cho các biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động được thực hiện có hiệu quả, cần quy định thêm các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tiễn.

 Hai là, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan:

 Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo Khi đã có căn cứ pháp lý thực hiện việc bảo vệ việc làm cho người tố cáo là lao động hợp đồng thì vấn đề nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng vai trò quan trọng, trong đó, phải kể đến trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người giải quyết tố cáo có vai trò quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm cho người tố cáo khi thấy việc bảo vệ việc làm của họ là cần thiết, có căn cứ, có tính xác thực.

 Trách nhiệm của người sử dụng lao động là người đứng đầu trực tiếp sử dụng và có quyền quyết định việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động… Việc làm của người lao động phụ thuộc vào nhu cầu của sử dụng lao động của người sử dụng, trong nhiều trường hợp việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người sử dụng lao động, nhất là khi người lao động đứng ra tố cáo. Khi có vấn đề xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, danh dự… của người sử dụng lao động hoặc tổ chức mà người sử dụng lao động là đại diện thì việc bảo vệ việc làm của người tố cáo gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động cũng được quy định tại Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, tuy nhiên, việc bảo đảm thực hiện quy định này cũng còn gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn. Do vậy, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của người sử dụng lao động trong bảo vệ việc làm cho người tố cáo là vấn đề đặt ra và cần có cơ chế bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn.

 Trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động hay tổ chức công đoàn – đây là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, trong nhiều trường hợp, người tố cáo có nguy cơ bị mất việc làm, quyền lợi, thu nhập bị ảnh hưởng… thì tổ chức này, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách  nhiệm đề nghị với người sử dụng lao động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cũng như việc làm cho người lao động.

 Ba là, về nhận thức người tố cáo: Khi tham gia vào quá trình tố cáo, người lao động cần trang bị cho mình những kiến thức hiểu biết về pháp luật tố cáo, về quyền, nghĩa vụ của mình trong khi thực hiện quyền tố cáo, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, trong đó có việc bảo vệ việc làm của mình khi đứng ra tố cáo.

 Bốn là, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tố cáo cũng như việc bảo vệ người tố cáo. Bởi lẽ, đây là kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuận tiện, đem lại hiệu quả cao; đồng thời, đây cũng là kênh tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tố cáo hiệu quả, vì khi có vấn đề bất cập đặt ra, qua phương tiện truyền thông, báo chí, áp lực dư luận sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao trách nhiệm của mình trong bảo vệ người tố cáo.

 3. Một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực hiện việc bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động.

Luật Tố cáo năm 2018, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH) và Thông tư số 09/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/9/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH… đã có những quy định về đối tượng bảo vệ, căn cứ bảo vệ, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo nói chung, trong đó có quy định về bảo vệ việc làm cho người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động nói riêng. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để áp dụng việc bảo vệ việc làm cho người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, quy định pháp luật về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động còn những vướng mắc trong cả quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện. Về mặt pháp lý, việc bảo vệ việc làm của người tố cáo là lao động hợp đồng còn có những vướng mắc, bất cập về đối tượng, căn cứ bảo vệ, nội dung, biện pháp bảo vệ, trách nhiệm bảo vệ, cơ chế phối hợp trong việc bảo vệ.… Về mặt thực tiễn, người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động bị trù dập, phân biệt đối xử trong việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi đứng ra tố cáo, phản ánh hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, việc bảo vệ việc làm của họ lại chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp không được bảo vệ, nguyên nhân chủ yếu do cơ chế bảo vệ thiếu tính khả thi trên thực tiễn; bên cạnh đó, các báo cáo về công tác giải quyết tố cáo cũng không đề cập đến vấn đề này… Đây là vấn đề đặt ra và cần có giải pháp hoàn thiện và bảo đảm thực hiện.

 3.1- Giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

 Về đối tượng bảo vệ: Việc bảo vệ người tố cáo bao gồm cả đối tượng được bảo vệ là thân nhân của người tố cáo, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Việc quy định như vậy bảo đảm thực  hiện quyền nhân thân của người tố cáo. Theo quan điểm cá nhân người viết, việc bảo vệ thân nhân của người tố cáo sẽ phù hợp hơn khi bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự của người được bảo vệ. Việc áp dụng cơ chế bảo vệ việc làm cho chính người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động còn nhiều bất cập và khó đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn, bởi lẽ, khi việc tố cáo ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín, danh dự của cá nhân hay tập thể do người sử dụng lao động quản lý thì người sử dụng lao động thường đưa ra lý do không liên quan đến vấn đề tố cáo để gây ảnh hưởng về việc làm, thu nhập đến người lao động, việc bảo vệ việc làm cho người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động đã khó thực hiện, do vậy việc bảo vệ việc làm cho thân nhân của người tố cáo là lao động hợp đồng càng khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, đây là vướng mắc trong quá trình thực hiện và là vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn, mang tính khả thi hơn để đảm bảo các quy định pháp luật được áp dụng có hiệu quả trên thực tiễn.

 Về căn cứ bảo vệ: Luật Tố cáo quy định, khi có căn cứ về việc làm của mình bị xâm hại, trù dập, bị phân biệt đối xử do tố cáo thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ. Khi nhận được đề nghị biện pháp bảo vệ của người tố cáo, và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi có quyết định, hay đề nghị, yêu cầu được bảo vệ thì việc áp dụng căn cứ bảo vệ này khó khả thi trên thực tiễn, bởi lẽ, việc làm của người tố cáo phụ thuộc nhiều vào nhu cầu, sự thỏa thuận và ý chí chủ quan của người sử dụng lao động, nên khi có vấn đề liên quan đến tố cáo, người tố cáo bị trù dập, phân biệt đối xử về việc làm diễn ra khá phổ biến, nhưng thường được người sử dụng lao động đưa ra lý do không liên quan đến vấn đề tố cáo. Đây là vướng mắc đặt ra yêu cầu nghiên cứu cụ thể và cần có quy định, cơ chế bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn.

 Cần có quy định xác định rõ cơ quan nào là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ. Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ việc làm cho người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động nói riêng, trong đó có trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, trách nhiệm của cơ quan được đề nghị hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động… nhưng chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ… dẫn đến việc thực hiện trách nhiệm của các chủ thể chưa phát huy hiệu quả cao trong việc bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động nói riêng. 

Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm có liên quan trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Luật Tố cáo năm 2018 quy định trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ người tố cáo như trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp như cơ quan quản lý người tố cáo tại nơi công tác, Ủy ban nhân dân địa phương nơi người tố cáo cư trú, cơ quan công an có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan khác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa đạt hiệu quả cao trên thực tiễn, nhất là cơ chế phối hợp giữa người giải quyết tố cáo, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động… trong việc bảo vệ người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động nói riêng. Do đó, để phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ người tố cáo thì cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ người tố cáo.

 Cần có quy định mang tính ràng buộc trách nhiệm cũng như chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ: Luật Tố cáo và văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ việc làm của người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động còn chưa được bảo đảm, dẫn đến hiệu quả việc áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm chưa cao. Quy định trách nhiệm bảo vệ cần gắn với chế tài xử lý trách nhiệm với những trường hợp không thực hiện trách nhiệm đã được quy định hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời, dẫn đến việc người tố cáo không được bảo vệ thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ việc làm cho người tố cáo.

 

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm gắn với chế tài xử lý vi phạm của người sử dụng lao động trong bảo vệ việc làm cho người tố cáo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, bởi lẽ, người sử dụng lao động là người quyết định việc làm của người lao động, khi người lao động có tố cáo ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín… của người sử dụng lao động hay tổ chức người sử dụng lao động quản lý thì người lao động rất dễ bị mất việc làm, giảm thu nhập… Với biện pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm gắn với việc xử lý vi phạm pháp luật về tố cáo của người sử dụng lao động trong việc bảo vệ việc làm của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm việc làm cho người tố cáo.

 Sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH theo hướng: Bổ sung nội dung bảo vệ người tố cáo là lao động hợp đồng, trong đó việc bảo vệ không chỉ là việc làm của người tố cáo mà còn bao gồm tiền công, tiền lương, phụ cấp và các khoản thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người lao động; Bổ sung biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo là lao động hợp đồng để đảm bảo tính đầy đủ, khả thi: Biện pháp bảo vệ việc làm cho người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động cần được bổ sung theo hướng việc bảo vệ nên được thực hiện, quy định ngay từ khi tham gia vào quá trình tố cáo, với quy định về việc không được sa thải, cho nghỉ việc hoặc không cắt giảm lương, thu nhập trong thời gian tham gia vào quá trình tố cáo; đồng thời, cần có quy định không xử lý kỷ luật, sa thải người lao động trong quá trình tố cáo, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

 3.2- Giải pháp, kiến nghị bảo đảm thực hiện việc bảo vệ việc làm cho người tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động.

 Tăng cường trách nhiệm, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng bảo vệ người tố cáo, trong đó có trách nhiệm, đạo đức công vụ của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo và người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo…

 

Tổ chức đại diện người lao động, công đoàn phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ người tố cáo là lao động hợp đồng. Người đứng đầu tổ chức đại diện, công đoàn thường là cấp dưới của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, hơn nữa, công đoàn thường có vai trò giám sát, đề nghị việc áp dung biện pháp bảo vệ chứ không có vai trò mang tính quyết định biện pháp bảo vệ. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động, công đoàn để đảm bảo việc bảo vệ việc làm của người lao động đạt hiệu quả trên thực tế.

 

Tăng cường, phát huy vai trò của báo chí, phương tiện thông tin truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tố cáo và bảo vệ việc làm của người tố cáo. Việc nắm được các quy định pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo sẽ giúp cho người tố cáo, người dân tiếp cận được thông tin, nắm được quyền và lợi ích của người tố cáo cũng như về bảo vệ cho người tố cáo. Nhờ sự vào cuộc của báo chí, trước áp lực dư luận, nhiều vụ việc của người tố cáo, kiến nghị, phản ánh được làm sáng tỏ, nhờ đó, việc bảo vệ việc làm của người tố cáo cũng được thực hiện và mang lại hiệu tích cực trong công tác bảo vệ người tố cáo.

 Cần có báo cáo đánh giá, tổng kết công tác bảo vệ người tố cáo. Trong các báo cáo công tác giải quyết tố cáo, cần có báo cáo đánh giá, tổng kết về việc bảo vệ người tố cáo, trong đó có bảo vệ vị trí, việc làm của người tố cáo là người lao động theo hợp đồng lao động, để từ đó thấy được những kết quả đạt được, cùng với những khó khăn, bất cập trong công tác bảo vệ người tố cáo, để có căn cứ đánh giá thực tiễn, qua đó, có đề xuất hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Phạm Thị Thanh Minh
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

Tin liên quan