Một số kiến nghị hoàn thiện tội ‘Thao túng thị trường chứng khoán’

Cập nhật: 11/08/2023 09:15

rong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ với mức điểm thuộc hàng cao nhất thế giới, song sau đại dịch Covid-19, thị trường này đã có sự biến động rõ rệt. Nhìn vào mặt tích cực, thị trường này có thể thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh chóng. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu nhất định, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát hành vi thao túng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.

1. Khái quát về thao túng thị trường chứng khoán

Thao túng thị trường chứng khoán được mô tả là việc sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán nhằm tạo cung cầu giả tạo, ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư. Đây là một hình thức lạm dụng thị trường, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch, cố ý nhập lệnh mua và bán cho cùng một mã chứng khoán ở cùng một mức giá, che giấu tỷ lệ sở hữu.

Thao túng thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, khó khăn trong việc phân tích và dự báo các khoản đầu tư tốt nhất; doanh nghiệp khó có thể huy động được vốn, trì hoãn các dự án hay hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, làm chậm hoạt động của nền kinh tế.

Việc xác định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán có mục đích ngăn chặn những hành vi vi phạm, khôi phục lại các quan hệ trong lĩnh vực chứng khoán do hành vi vi phạm gây ra, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Do đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định thao túng là hành vi bị cấm. Cụ thể tại Úc, thao túng thị trường ban đầu bị cấm theo Luật Chứng khoán năm 1970, quy định chi tiết về các giao dịch giả tạo hoặc gây hiểu nhầm về hoạt động giao dịch liên quan đến chứng khoán niêm yết hoặc trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng thị trường và các hoạt động sai trái khác tại Úc bị nghiêm cấm theo Luật Doanh nghiệp, Luật Thị trường tài chính. Tại Điều 245 Luật Chứng khoán và Các công cụ phái sinh (SFO) của Hồng Kong đã đưa ra khái niệm “các hành vi sai trái” bị cấm trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả giao dịch nội bộ, giao dịch sai, gian lận giá, tiết lộ thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm và thao túng thị trường chứng khoán. Khái niệm “hành vi sai trái thị trường” là dựa trên các điều khoản tương đương trong Luật Doanh nghiệp Úc. Điều 278 (khoản 1) của SFO định nghĩa thao túng thị trường chứng khoán khi liên quan đến hai hoặc nhiều giao dịch nhằm tăng, giảm hoặc duy trì giá thị trường với mục đích khiến người khác giao dịch.[1]

2. Tổng quan về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”

Tội “Thao túng thị trường chứng khoán” được quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì có những điều mới sau:

– Thay đổi tên điều luật từ “Thao túng giá chứng khoán” thành “Thao túng thị trường chứng khoán”;

– Sửa đổi dấu hiệu định tội theo hướng làm rõ hơn;

– Thay đổi mức phạt tiền đối với hình phạt chính và hình phạt bổ sung;

– Bãi bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ;

– Làm rõ các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự;

– Bổ sung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

3. Các yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”

Để có thể định tội và áp dụng biện pháp xử lý thích đáng thì cần phải xem xét rõ ràng các dấu hiệu pháp lý và việc phân tích dấu hiệu pháp lý tội “Thao túng thị trường chứng khoán” dựa trên các mặt cụ thể như sau:

Xét vào chủ thể của tội phạm: được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc pháp nhân thương mại.

Đa số chủ thể của tội danh này thường là các cá nhân có trình độ cao, có hiểu biết về lĩnh vực đầu tư tài chính, đặc biệt là trong thị trường chứng khoán hoặc được tuyển dụng, môi giới chứng khoán hoặc là các chủ tịch, lãnh đạo, các thành viên chủ chốt của công ty có cổ phiếu.

Xét vào khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gây tác hại đến hoạt động bình thường, lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Theo đó, thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm hoặc hình thức trao đổi thông tin để tập hợp lệnh mua, bán và giao dịch chứng khoán.[2]

Xét vào mặt chủ quan của tội phạm: người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi và hậu quả của mình có thể gây ra những vẫn thực hiện với mong muốn cho hậu quả xảy ra, hoặc không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra là thu lợi bất chính. Động cơ mà mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy vậy, người phạm tội bao giờ cũng vì mục đích thu lợi bất chính dẫn đến gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư.

Xét vào mặt khách quan của tội phạm: tội phạm được thể hiện ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gồm có 06 hành vi như sau:

– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

– Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

– Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

– Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

– Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

– Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.[3]

Lưu ý: Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi khách quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hậu quả người phạm tội thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên xảy ra.

Trường hợp hậu quả xảy ra chưa đạt mức nghiêm trọng, người thực hiện hành vi phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi khách quan vẫn phải chịu xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36, Nghị định 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 36. Vi phạm thao túng thị trường chứng khoán

1. Phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm quy định tại khoán 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Trên cơ sở nghiên cứu, qua đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, nhóm tác giả đưa ra một số khó khăn, hạn chế trong việc áp dụng quy định, chứng minh hành vi thao túng thị trưởng chứng khoán để khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử và kiến nghị một số nội dung sau:

Hạn chế trong việc áp dụng quy định, xử lý hành vi phạm tội

– Quy định về chế tài xử phạt hành vi phạm tội còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe;

Hầu hết các vụ việc liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, không đủ tính răn đe, khiến nhiều nhà đầu tư dần mất niềm tin vào thị trường. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được chính là lý do khiến hành vi thao túng thị trường chứng khoán vẫn liên tục tái diễn, gây mất cân bằng, dễ dẫn đến suy thoái, khủng hoảng;

– Chưa có quy định cụ thể trong việc hạn chế khối lượng giao dịch chứng khoán, ứng phó khi thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, các ứng dụng được tạo ra nhằm thay đổi các công cụ tài chính, hàng loạt giao dịch khối lượng lớn được thực hiện, xử lý với tốc độ cực nhanh, đặc biệt là các giao dịch chênh lệch về giá.

Khó khăn trong việc chứng minh hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Thứ nhất, những hành vi thao túng là do cá nhân hoặc một nhóm người tự thực hiện việc mua bán, tạo dựng lòng tin, lôi kéo nhà đầu tư thực hiện việc mua, bán chứng khoán. Tuy nhiên, cũng vì lợi ích mà nhà đầu tư đã tự nguyện mua những cổ phiếu đã được chỉ dẫn, không có bất kỳ sự ép buộc nào đến từ những đối tượng đã thao túng. Thực tế, các đối tượng phạm tội và bị hại không tiếp xúc trực tiếp, do đó rất khó xác định được mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội để xử lý hành chính hay xử lý hình sự cho phù hợp;

Thứ hai, về pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi phạm tội. Bởi lẽ việc xác định trách nhiệm hình sự của cá nhân trong pháp nhân đã rất khó, cộng với hành vi thao túng thị trường chứng khoán lại càng khó hơn do khối lượng mua bán chứng khoán đủ để chi phối thị trường là rất lớn. Để có đủ tiềm lực thao túng, chi phối thị trường chứng khoán thì duy chỉ pháp nhân, tổ chức mới có khả năng để thực hiện hành vi mua, bán. Cho đến nay, chưa có pháp nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này;

Thứ ba, rất khó để xác định được cổ phiếu nào bị thao túng, cổ phiếu nào không bởi có những công ty tuy việc kinh doanh có khởi sắc nhưng chịu sức ép chung của thị trường dẫn đến giá cổ phiếu cũng giảm;

Thứ tư, khó khăn trong việc xác định bị hại trong vụ án vì đa số các nhà đầu tư thực hiện hành vi mua bán cổ phiếu liên tục đối với các mã chứng khoán đã vạch sẵn. Đầu tư chứng khoán là một môi trường có rủi ro cao, nhà đầu tư sẽ chuẩn bị tâm lý cho việc lãi hoặc lỗ, theo đó bất chợt một cổ phiếu giảm liên tục thì nhà đầu tư khó nhận ra   cổ phiếu đang bị thao túng. Bên cạnh đó, trong việc đặt lệnh thực hiện giao dịch mua bán, các đối tượng không thể thực hiện thay bị hại. Như vậy, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sẽ rất khó để xác định bị hại, số tiền bị chiếm đoạt là bao nhiêu và thời điểm bị chiếm đoạt là khi nào;

Thứ năm, trong quá trình thu thập, đánh giá và xử lý chứng cứ cần phải thu thập một khối lượng thông tin lớn từ các bên liên quan. Cụ thể là công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, môi giới chứng khoán, bị hại,… Do vậy, sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để có thể thu thập được chứng cứ cần thiết cho quá trình giải quyết vụ án.

Kiến nghị

– Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính; hoặc trong trường hợp “không xác định được bị hại” nhưng có xác định được số tiền thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường;

– Cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về việc phân hóa trách nhiệm hình sự giữa pháp nhân và cá nhân trong tội danh này;

– Xây dựng khung pháp lý đối với các giao dịch áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, giao dịch có tần suất với khối lượng lớn. Cụ thể, chỉ cho phép các tổ chức tài chính có tiềm lực mạnh về kinh tế, công nghệ tốt để đầu tư hệ thống bài bản, nhân viên nghiệp vụ phải được đào tạo, hoàn thiện về đạo đức nghề nghiệp và buộc phải có sự chấp thuận cho phép giao dịch từ Ủy ban chứng khoán nhà nước;

– Cần rà soát lại các công ty, doanh nghiệp đã và đang phát hành cổ phiếu lợi dụng các công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Cơ quan chức năng cần có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để, thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện những sai phạm để khắc phục;

– Thực hiện dự thảo, đóng góp ý kiến sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để siết chặt quản lý về thị trường chứng khoán, đảm bảo cho sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán, ngăn chặn tối đa mọi thiệt hại cho nhà đầu tư.

1] Nguyễn Thanh Huyền (2018), Thao túng thị trường chứng khoán – Góc nhìn pháp lý, Tạp chí chứng khoán số 240, tr.7-11.

[2] Khoản 27 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019

[3] Khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

3. Luật Chứng khoán năm 2019;

4. Nghị định 156/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;

5. TS. Trần Văn Biên, TS Đinh Thế Hưng, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Thế giới;

6. Nguyễn Thanh Huyền (2018), Thao túng thị trường chứng khoán – Góc nhìn pháp lý, Tạp chí chứng khoán số 240, tr.7-11.

theo PHẠM MINH ĐÔ

Thư ký Tòa án Quân sự Quân khu 7

TRẦN NGUYỄN BẢO NGÂN

Học viên Cao học Luật Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – Tạp chí Luật sư VN

Tin liên quan