Một số ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Cập nhật: 25/09/2023 08:07

Có thể nói, qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014 hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác chiếm tỈ lệ từ 70-80% số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế.

Ảnh minh họa.
Việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở còn góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng thông qua việc giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để công tác này ngày càng nề nếp, hiệu quả hơn. Để hoàn thiện Dự thảo Luật quan trọng này, tác giả xin tham gia một số ý kiến đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), cụ thể sau đây:
Thứ nhất, đề nghị chỉnh sửa khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật theo hướng: Hiệu lực của Văn bản công chứng điện tử là tại thời điểm Công chứng viên ký tên và đóng dấu của tổ chức nơi hành nghề. Điều này tránh những rắc rối, bất cập liên quan đến các văn bản pháp luật khác về hiệu lực của hợp đồng, giao dịch như Luật Đất đai, Luật Nhà ở…
Thứ hai, đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 18 Dự thảo Luật theo hướng: “Trưởng phòng công chứng có thể không là Công chứng viên”. Điều này, giúp cho Sở Tư pháp chủ động hơn trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ. Thực tế hiện nay đang có trường hợp Trưởng phòng công chứng nghỉ hưu, trong khi nguồn quy hoạch tại chỗ không đủ điều kiện để bổ nhiệm; việc điều động, luân chuyển công chức, viên chức từ đơn vị thuộc Sở Tư pháp sang Phòng công chứng cũng không thể thực hiện được để bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng, dẫn đến không thể kiện toàn chức danh này.
Thứ ba, đối với việc thành lập Văn phòng công chứng quy định tại Điều 22 Dự thảo Luật đề nghị sửa đổi theo hướng không quy định việc UBND tỉnh cho phép thành lập Văn phòng công chứng, rồi sau đó Sở Tư pháp đăng ký hoạt động. Theo đó, các Công chứng viên dự kiến thành lập Văn phòng công chứng chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cần thiết khác, sau đó gửi Sở Tư pháp để đăng ký hoạt động, tương tự như việc thành lập các tổ chức hành nghề luật sư, đấu giá tài sản. Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của Sở Tư pháp, nâng cao việc phân cấp trong quản lý nhà nước, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết.
Thứ tư, đối với việc chuyển nhượng Văn phòng công chứng quy định tại khoản 3 Điều 29 Dự thảo Luật: Đề nghị sửa đổi theo hướng “Sở Tư pháp xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng”. Đối với quy định tại khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật, thống nhất chọn Phương án 2. Lý do: Điều này vừa góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng do 01 Công chứng viên thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn phát triển được tổ chức hành nghề công chứng, hạn chế được nhà nước phải thành lập thêm đơn vị mới (Phòng công chứng).
Thứ năm, về tên gọi của Văn phòng công chứng tại khoản 3 Điều 21 Dự thảo Luật: Đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; đồng thời việc “không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác” chỉ xác định trong phạm vi cấp tỉnh. Việc xác định phạm vi toàn quốc là quá rộng, tạo khó khăn cho Sở Tư pháp khi tham mưu việc thành lập hoặc đăng ký hành nghề.
Thứ sáu, đề nghị bổ sung thêm trường hợp sau vào khoản 2 Điều 45 Dự thảo Luật: Theo đó, cá nhân đang chấp hành nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc bị triệu tập thực thi công vụ (như cấp cứu, phòng cháy, chữa cháy, hộ đê…) nên không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công thì được công chứng ngoài trụ sở.
Thứ bảy, đối với việc ký, điểm chỉ trong hoạt động công chứng quy định tại Điều 49 Dự thảo Luật, đề nghị quy định theo hướng: Ký trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có đăng ký chữ ký mẫu. Điểm chỉ trong các trường hợp còn lại. Bởi vì, thực tế nhiều người vào các thời điểm khác nhau có thể sẽ ký theo các cách khác nhau, nên khó có thể xác định được chữ ký trong văn bản công chứng có đúng là chữ ký của họ hay không. Điều này sẽ góp phần hạn chế được hiện tượng giả mạo trong hoạt động công chứng.
Ngoài ra, đề nghị bãi bỏ điểm e khoản 1 Điều 73 Dự thảo Luật. Lý do: Việc này tạo công bằng trong việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức tư pháp cấp xã, cấp huyện. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ, Quốc hội theo hướng: bãi bỏ việc chứng thực hợp đồng, giao dịch tại Phòng Tư pháp, UBND cấp xã. Mặt khác, quy định rõ những loại nào là giấy tờ tùy thân được sử dụng trong hoạt động công chứng. Thực tế hiện nay, một số tổ chức không chấp nhận việc sử dụng hộ chiếu và các loại giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người trong các văn bản công chứng.
theo ThS. PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum – Tạp chí luật sư VN

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00