Nâng cao vai trò cơ quan kiểm tra

Cập nhật: 12/01/2023 11:02

 Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong các chức năng lãnh đạo của Đảng, có vai trò sống còn của Đảng. Các quyết định, kết luận kiểm tra được thực hiện nghiêm túc sẽ có tác dụng phát huy ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm, hạn chế sai phạm, nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra năm 2022. Ảnh TTXVN

Những năm qua, đặc biệt trong quãng thời gian cả hệ thống chính trị, cả nước vào cuộc tham gia phong trào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vai trò của hệ thống Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được chứng minh. Không ít vụ việc trước tiên được Ủy ban Kiểm tra phát hiện, sau đó chuyển cơ quan điều tra đấu tranh xử lý làm rõ.

Tuy nhiên, vai trò của cơ quan kiểm tra vẫn được yêu cầu cần nâng cao hơn nữa. Ngày 10/1, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra năm 2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhận định năm qua Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ nhiều vụ khó trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dự án đầu tư…; chỉ rõ sai phạm, kỷ luật cả Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức, nghỉ hưu với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư nhận định vẫn còn tình trạng kiểm tra, giám sát mang tính hình thức, nể nang, né tránh; chất lượng giám sát chuyên đề hạn chế. Một số tổ chức đảng chậm khắc phục vi phạm, thậm chí tái phạm phải kỷ luật.

Vì vậy, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cảnh báo phòng ngừa vi phạm sau giám sát, không để lặp lại sai phạm; đề nghị người đứng đầu tổ chức đảng các cấp nhận thức đúng vai trò của kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Bài học hai nhiệm kỳ qua cho thấy, nơi nào người đứng đầu thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra thì khuyết điểm, vi phạm ít đi. Và đặc biệt: “Vừa qua, một Thứ trưởng Công an nói rằng, qua một số vụ cho thấy nhiều cán bộ chưa biết sợ. Tôi đặt vấn đề, những sai phạm phải chăng do cán bộ tham lam, liều lĩnh, bất chấp mà vi phạm. Hay còn nguyên nhân khác về cơ chế, chính sách, ban hành quy định lỏng lẻo?”.

Những định hướng, gợi ý của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng với Ủy ban Kiểm tra các cấp cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ Đảng đã ngày càng đi vào thực chất, quyết liệt, không ngừng nghỉ: Đó là việc định hướng, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát phải khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương, đơn vị; giám sát phải mở rộng để kịp thời phát hiện, cảnh báo vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài, lan rộng; kiểm tra có trọng tâm và kỷ luật phải nghiêm minh; Ủy ban Kiểm tra các cấp chú trọng địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, nơi nhiều khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc, cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; kiểm tra, giám sát cần kết hợp với công tác cán bộ; phải tính toán, phân công phù hợp, “dụng nhân như dụng mộc”, để hạn chế sai phạm…

Tin liên quan