Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân của ùn tắc giao thông thời gian qua, ngoài hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với tốc độ đô thị hóa, thì còn một nguyên nhân chủ quan là từ ý thức tham gia của người dân chưa cao. Trên đường phố, nhất là những điểm không có cảnh sát giao thông đứng chốt, dù đèn đỏ nhưng không ít người tham gia giao thông vẫn “phóng nhanh, vượt ẩu”. Việc “mạnh ai, người ấy vượt” không chỉ tạo nên một sự hỗn loạn trong tham gia giao thông, mà còn gây ra không ít vụ tai nạn giao thông đau lòng.
Cũng không ít trường hợp vì chỉ muốn được việc của mình mà khi giao thông đang ùn tắc, thay vì chấp hành nghiêm, có những người ngang nhiên phóng xe trên vỉa hè, bất chấp đó là phần đường dành cho người đi bộ… Tất cả những hành vi ấy đều xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc tuyên truyền pháp luật giao thông chưa hiệu quả, còn có nguyên nhân từ quy định chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 168 đã đưa ra nhiều chế tài nghiêm khắc hơn. Một điểm mới đáng chú ý, tùy theo tính chất vi phạm, lái xe sẽ bị trừ tối thiểu là 2 điểm và tối đa là 10 điểm đối với mỗi hành vi vi phạm. Đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tước ngay bằng lái. Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe của nghị định này nhằm hướng dẫn quy định của Luật Trật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 – lần đầu tiên quy định về việc trừ điểm giấy phép lái xe.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025, tính đến nay nghị định mới chỉ 2 tuần triển khai nhưng tình hình tai nạn giao thông đã có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Đây là kết quả tích cực bước đầu rất đáng ghi nhận khi triển khai Nghị định 168.
Có thể thấy, để có được kết quả này, có sự chủ động, nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông trong triển khai nhiệm vụ. Đó là kết quả tuyên truyền sâu rộng hiệu quả các quy định mới của nghị định, cùng với đó ý thức tuân thủ của người tham gia giao thông đã nâng lên. Và còn có một nguyên nhân quan trọng khác nữa đó là chế tài của nghị định đã đủ sức răn đe, phòng ngừa. Với các hành vi có tính cố ý, là nguồn nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông mức xử phạt tăng mạnh để xử lý.
Ngoài chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thì việc tổ chức thực hiện pháp luật vẫn bị đánh giá là một khâu yếu là một tồn tại kéo dài chưa khắc phục được. Thực trạng chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; trong đó có việc xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời.
Điểm nghẽn trong thực thi pháp luật một lần nữa được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám vừa qua. Theo Tổng Bí thư: “Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu”.
Như vậy, với Nghị định 168, ngoài những quy định chế tài tăng lên để răn đe, phòng ngừa, có thể thấy vai trò của cơ quan truyền thông lần này vào cuộc rất tích cực, chủ động. Qua đó, giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ và thực hiện nghiêm quy định pháp luật. Cùng với đó là sự triển khai của lực lượng chức năng, đặc biệt là cảnh sát giao thông trên toàn quốc nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đã giúp ý thức tuân thủ giao thông của người dân nâng lên rõ rệt.
Chế tài của Nghị định 168 đủ mạnh để răn đe, thực thi nghiêm minh các quy định của lực lượng chức năng, mục tiêu cuối cùng cũng vì sự an toàn, bình yên của người tham gia giao thông là trên hết, do đó, không có lý do gì người dân không đồng tình ủng hộ những quy định mới của nghị định này.