Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 4/2024

Cập nhật: 01/04/2024 10:47

Điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024; Quy chuẩn quốc gia mới về phương tiện phòng cháy, chữa cháy là một trong nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024.

Ảnh minh họa.

Điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024

Từ 22/4/2024, Thông tư 02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức được áp dụng.

Một trong những điểm mới của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 phải kể đến là thí sinh có thể đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.

Bên cạnh đó, thí sinh phải tuân thủ các quy định trong phòng thi như sau: Trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình.

Để phục vụ quá trình làm bài thi, thí sinh được mang vào phòng thi gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lí Việt Nam được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Cấm mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

So với quy chế thi năm trước, quy chế năm 2024 đã bổ sung một số vật dụng được mang vào phòng thi là êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình. Đồng thời, bổ sung các vật dụng cấm mang vào phòng thi như giấy than, bút xóa.

02 quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực

Mặc dù Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2025 nhưng có 02 quy định của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2024.

Cụ thể, khoản 2, Điều 252, Luật Đất đai 2024 nêu rõ: Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024.

Trong đó, hai quy định này gồm: Các hoạt động lấn biển: Nguyên tắc của hoạt động lấn biển, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 về nguyên tắc, căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong doanh nghiệp nhà nước

Từ ngày 10/4, Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/2016/NĐ-CP và Nghị định 52/2016/NĐ-CP có hiệu lực.

Theo đó, Nghị định 21/2024/NĐ-CP quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:

Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Không xét danh hiệu Lao động tiên tiến với người tuyển dụng dưới 6 tháng

Có hiệu lực trong tháng 4/2024, Thông tư 1/2024/TT-BNV quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Thông tư quy định rõ việc bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:

Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến.

Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến.

Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 1 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến.

Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi…).

Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 6 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ.

Không xét tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 6 tháng.

Quy chuẩn quốc gia mới về phương tiện phòng cháy, chữa cháy

Thông tư 56/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4, thay thế Thông tư số 123/2021/TT-BCA quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PC&CC).

Quy chuẩn trên quy định các yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện PC&CC thuộc danh mục phải kiểm định về PC&CC theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam.

Đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước, nhập khẩu phương tiện PC&CC; Cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định phương tiện PC&CC; Cơ quan, tổ chức có liên quan về quản lý chất lượng phương tiện PC&CC.

Yêu cầu chung đối với phương tiện PC&CC do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kê khai, khai báo phải phù hợp với danh mục phương tiện quy định tại quy chuẩn này. Trường hợp chưa rõ chủng loại phương tiện, cần phối hợp với cơ quan quản lý có thẩm quyền để định danh chủng loại phương tiện PC&CC.

Phải được quản lý, bảo quản, bảo dưỡng theo quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phương tiện PC&CC phải được kiểm định phù hợp với các quy định của quy chuẩn này và các quy định nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật về PC&CC có liên quan.

Thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 233/QĐ-BGTVT ngày 12/3/2024 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT.

Theo quyết định, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT, cụ thể có 2 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung gồm: Cấp giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS) và phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS).

Thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT là cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sỹ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2024.

theo TRẦN VIỄN – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-4-2024-1711923776.html

Tin liên quan