Thời gian gần đây ở nông thôn liên tiếp xảy ra vỡ họ, khiến nhiều gia đình bị khuynh gia, bại sản. Mới đây nhất, một vụ vỡ hụi vừa xảy ra tại phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người tham gia đứng trước nguy cơ mất tài sản.
Phần lớn những người tham gia chơi họ đều là nông dân, có người tích cóp được từ tiền hỗ trợ hộ nghèo, nhặt ve chai, làm thuê… cũng đưa vào đóng họ, nay chỉ biết ngồi lau nước mắt.
Vậy pháp luật có quy định gì về chơi họ không? Chủ họ phải chịu trách nhiệm thế nào khi vỡ họ?… Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng) đã có trao đổi như sau:
Việc chơi họ về bản chất không có gì xấu, mục đích của việc chơi họ là nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Và từ lâu, pháp luật đã có quy định về vấn đề này (Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ “về họ, hụi, biêu, phường”). Tuy nhiên ít người nắm được những quy định đó, vì vậy nhiều người bị mắc bẫy, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra bởi hệ lụy của chơi họ.
Để ngăn ngừa tình trạng này người tham gia họ, chủ họ phải nắm được những quy định của pháp luật và phải thực hiện nghiêm những quy định đó. Mà trước hết phải nắm được quy định chung về họ tại Điều 471, Bộ Luật Dân sự:
“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ Luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”.
Chủ họ thường là người nắm giữ tiền, hoặc tài sản của các thành viên tham gia. Vậy pháp luật quy định người làm chủ họ phải có điều kiện gì, thưa Tiến sĩ?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2019, của Chính phủ “về họ, hụi, biêu, phường” thì: Chủ họ là người tổ chức, quản lý dây họ, thu các phần họ và giao các phần họ đó cho thành viên được lĩnh họ trong mỗi kỳ mở họ cho tới khi kết thúc dây họ. Chủ họ có thể đồng thời là thành viên của dây họ.
Với vị trí là “linh hồn” của họ, nên người làm chủ họ phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 6 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP như sau:
Chủ họ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ Luật Dân sự.
Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây họ thì chủ họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.
Để tránh những rủi ro khi chơi họ, các thành viên cần phải làm gì, thưa Tiến sĩ?
Để tránh rủi ro khi tham gia chơi họ, mọi người cần phải nghiên cứu và nắm chắc các nội dung quy định “về họ, hụi, biêu, phường” tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP như: Hình thức thỏa thuận về dây họ; Nội dung văn bản thỏa thuận về dây họ, quy định về hoạt động của dây họ; trình tự thủ tục tham gia dây họ, rút khỏi dây họ; thủ tục khi góp họ, lĩnh họ; quyền, nghĩa vụ của thành viên, của chủ họ… Chỉ khi nào nắm vững và thực hiện đúng những quy định đó thì thì mới tránh được rủi ro khi tham gia chơi họ.
Để có cơ sở khởi kiện khi xảy ra tranh chấp thì việc thỏa thuận về dây họ phải thực hiện thế nào?
Hình thức, nội dung của văn bản thỏa thuận về dây họ được quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, trong đó phải có một số nội dung cơ bản là:
Thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ các nội dung sau:
Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi (nơi chủ hụi thường xuyên sinh sống hoặc nơi đang sinh sống nếu không xác định được nơi thường xuyên sinh sống);
Số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; phần họ; thời gian diễn ra dây họ, kỳ mở họ; thể thức góp họ, lĩnh họ
Văn bản thoả thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu…
Vì tin tưởng nên khi các thành viên góp họ, chủ họ thường chỉ đánh dấu vào sổ mà hai bên không có biên nhận, ký kết gì. Bởi vậy khi vỡ họ, chủ họ “bùng” luôn, để tránh việc này, pháp luật quy định ra sao?
Điều 12, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: Chủ họ phải lập và giữ sổ họ, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ họ. Trường hợp dây họ không có chủ họ thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ họ. Sổ họ phải có các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này như: Các nội dung của thỏa thuận về dây họ; ngày góp phần họ, số tiền đã góp họ của từng thành viên; chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp họ và lĩnh họ;..
Chủ họ phải giao giấy biên nhận cho thành viên khi thực hiện các hoạt động: Góp họ, lĩnh họ; nhận lãi, trả lãi; thực hiện giao dịch khác có liên quan. (Điều 13 Nghị định 19/20019/NĐ-CP).
Thành viên dây họ được quyền xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu (điểm d khoản 1 Điều 15, khoản 5 Điều 18 Nghị định 19/20019/NĐ-CP),
Chủ họ và thành viên dây họ phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú (điểm b, khoản 1 Điều 16; khoản 1 Điều 18 Nghị định 19/20019/NĐ-CP).
Khi có người muốn gia nhập dây họ thì chủ họ phải thông báo các nội dung sau: Số lượng dây họ mà mình làm chủ họ; số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ; phần họ, kỳ mở họ (Khoản 2 Điều 18 Nghị định 19/20019/NĐ-CP).
Chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây họ trở lên.
Trường hợp thông tin về dây họ đã được thông báo theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà có sự thay đổi thì chủ họ phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó (Khoản 1, Khoản 3, Điều 14 Nghị định 19/20019/NĐ-CP)
Bên cạnh những quy định trên, Điều 23, Nghị định 19/2019/NĐ-CP còn quy định rõ trách nhiệm của chủ họ do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho các thành viên được lĩnh họ.
Trường hợp dây họ quy định được hưởng lãi thì pháp luật có quy định giới hạn mức lãi suất không?
Vấn đề này được quy định tại Điều 21, Nghị định 19/2019/NĐ-CP, theo đó: Lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ.
Trường hợp chủ họ tuyên bố vỡ họ thì chủ họ bị xử lý ra sao?
Theo quy định tại Điều 25, Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì:
Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tùy theo hành vi; tính chất, mức độ vi phạm chủ họ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.
Cảm ơn Tiến sĩ!
theo Lê Chiên (thực hiện) – Tạp chí Nông thôn mới
https://m.tapchinongthonmoi.vn/nhung-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-choi-ho-hui-24276.html