Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cùng với rà soát các vướng mắc về thể chế, cần ban hành một luật để sửa nhiều luật, tránh tình trạng luật sau “trói” luật trước, luật ngành này kìm hãm ngành kia. Ảnh: Một phiên họp tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: quochoi.vn) |
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế
Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Vì vậy, để chủ động, tích cực phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần yêu cầu phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế – xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.
Phân tích rõ hơn, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012 – 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thể chế nói chung, thể chế về PCTN,TC nói riêng, cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.
Ngoài nguyên nhân suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những vụ án lớn liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua còn có nguyên nhân xuất phát từ sự chồng chéo, mâu thuẫn, những “kẽ hở”, “khoảng trống” của hệ thống pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công…
Điển hình là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á có phần nguyên nhân từ những bất cập của các quy định pháp luật trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vaccine, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm. Hay các quy định của pháp luật về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, còn bất cập, thiếu minh bạch, dẫn đến giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi, tạo điều kiện cho một số đối tượng làm giàu bất chính…
Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp “lách luật” để thao túng thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, gây bất bình xã hội cũng có phần nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật… Đây cũng là những vấn đề “nóng” mà các đại biểu Quốc hội đã phản ánh, chất vấn tại các phiên họp của Kỳ họp thứ 4 và thứ 5 Quốc hội khóa XV. Theo các đại biểu Quốc hội, song song với rà soát các vướng mắc về thể chế, cần ban hành một luật để sửa nhiều luật, tránh tình trạng luật sau “trói” luật trước, luật ngành này kìm hãm ngành kia.
Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 5, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng…, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp. Quốc hội cũng giao Chính phủ chậm nhất năm 2025 hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp.
Tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng vào ngày 28/6 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, sau mỗi vụ việc đều có chỉ đạo rà soát lại để bịt những “lỗ hổng” về cơ chế, để cán bộ, công chức không có điều kiện lợi dụng những “lỗ hổng” của pháp luật nhằm trục lợi cho mình hoặc nhóm lợi ích của mình. “Trong phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC cũng đặt vấn đề là phải xử lý ngay cả đối với những cơ quan có trách nhiệm xây dựng pháp luật nhưng làm pháp luật không chặt chẽ, dẫn tới những cách hiểu khác nhau mà người ta lợi dụng vào đó để trục lợi” – Chủ tịch nước nói.
Giám sát phải sát thực tế
Song song với hoàn thiện thể chế, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát… cũng phải được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm “giám sát phải mở rộng” để kịp thời nhắc nhở, phòng ngừa vi phạm từ sớm.
Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cũng đã nhấn mạnh nguyên tắc chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Đặc biệt, khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. Có thể nói, các quy định của Đảng và Nhà nước đến nay đã tương đối đầy đủ, vấn đề là công tác tổ chức thực hiện phải nghiêm.
Dẫn chứng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng, việc xã hội hóa hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua là chủ trương đúng, giúp giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, sự gia tăng quá nhanh số lượng các TTĐK cùng với sự buông lỏng quản lý đã gây nên những hệ lụy tiêu cực.
Trả lời tranh luận của đại biểu QH tại phiên chất vấn ngày 7/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, cuộc khủng hoảng đăng kiểm gây ra hậu quả lớn, khiến người dân và doanh nghiệp phải rất vất vả, phải đi ngược đi xuôi vẫn không đăng kiểm được. Theo Tư lệnh ngành GTVT, có tới 600 lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cán bộ, công chức, viên chức và đăng kiểm viên bị khởi tố; 106/281 TTĐK phải đóng cửa. Điều đáng nói, có hàng trăm bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các TTĐK bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến đường dây “thu phí bôi trơn”, trục lợi hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. Đến nay, các cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế là với ý nghĩa như vậy”.
Qua vụ việc này, một câu hỏi lớn được đặt ra: phải chăng công tác cấp phép còn thiếu chặt chẽ? Việc giám sát hoạt động của các TTĐK tư nhân đã đúng quy định hay chưa? Nếu công tác giám sát tốt thì những cá nhân có chức, có quyền không thể lợi dụng chức vụ để vòi vĩnh, nhận “lót tay” của nhiều người với số tiền rất lớn trong thời gian dài đến thế.
“Các đồng chí cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn… Khi phát hiện thấy sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự… Chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục bằng được tệ “tham nhũng vặt”, gây bức xúc trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân. Chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; vừa kiên quyết xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp, vừa phải kiên trì xử lý dứt điểm những vụ việc tiêu cực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN,TC – ngày 19/6/2023.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, cơ quan, đơn vị, địa phương nào nếu tự kiểm tra, giám sát không phát hiện tham nhũng, tiêu cực, mà sau đó các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương lại phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, thì người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đầu năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (nay là Chủ tịch nước) yêu cầu phải hết sức coi trọng việc kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra.
Chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên… Khắc phục tình trạng này, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tiếp tục quán triệt phương châm “giám sát phải mở rộng” để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo phòng ngừa xảy ra vi phạm từ sớm…
Dẫn yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, bịt những “lỗ hổng” trong quy định, quy chế gây ra tham nhũng, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, kỳ này phải tập trung kiểm tra để làm sao hạn chế tối đa thiệt hại của Nhà nước và xã hội. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát để ràng buộc bằng trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.