Tang vật ma túy “nước biển” trong vụ học sinh bị ngộ độc ở Đà Nẵng (ảnh: Công an TP Đà Nẵng). |
Mối nguy từ cổng trường
Mới đây, sự việc 2 nam sinh lớp 9 tại TP HCM nhập viện cấp cứu vì sử dụng chất cấm đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo đó, 2 nam sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Bình Tân, TP HCM tan học không về nhà mà đến một quán cà phê gần trường chơi. Thấy hai nam sinh có dấu hiệu nhức đầu, nôn ói, run chân tay nên quán cà phê đã gọi cấp cứu đưa vào bệnh viện. Sau thăm khám, các em khai nhận đã mua “hai viên xanh xanh” được giới thiệu là cỏ Mỹ bán trước cổng trường rồi uống và có dấu hiệu như trên. Hiện, nhà trường đã báo cáo sự việc lên Đảng ủy phường nhằm ngăn chặn tình trạng chất kích thích len lỏi vào trường học. Phường cũng chỉ đạo công an khu vực điều tra bên ngoài cổng trường.
Một sự việc cách đây không lâu cũng làm xôn xao dư luận là 6 học sinh ở Đà Nẵng bị ngộ độc do sử dụng dung dịch chứa chất màu vàng nghi là ma túy. Cơ quan công an đã vào cuộc và bắt được một số đối tượng, thu giữ các chai dung dịch chứa chất màu vàng nghi là ma túy “nước biển”. Các đối tượng đã cung cấp loại chất cấm này cho học sinh các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng được một thời gian.
Tình trạng học sinh tại nhiều trường học trên cả nước đối diện nguy cơ bị dụ dỗ dùng chất cấm, gây hậu quả về sức khỏe và tâm lý, đang khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2021, tỷ lệ học sinh từ 12 đến 18 tuổi ở nước ta sử dụng ma túy tại trường học đã tăng từ 1,2% năm 2017 lên đến 2,7% vào năm 2021. Số liệu từ Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, trong năm học 2020 – 2021, đã có hơn 5.000 vụ việc liên quan đến sử dụng chất cấm xảy ra tại các trường học trên toàn quốc. Các vụ việc này bao gồm việc phát hiện học sinh sử dụng ma túy, chất kích thích như cần sa, cỏ mỹ, bóng cười và các chất cấm khác.
Giúp con “cách ly” chất cấm
Có thể thấy, các bậc cha mẹ đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc ngăn chặn con cái tiếp xúc và sử dụng ma túy và chất kích thích. Cùng với đó là những thách thức trong giám sát và kiểm soát học sinh trong môi trường trường học, thiếu thông tin và giáo dục về tác động và hậu quả của ma túy, áp lực từ bạn bè và sự tò mò của trẻ. Mặt khác, ngày càng nhiều loại ma túy, chất cấm thế hệ mới “đội lốt” những loại bánh, kẹo, thức ăn hấp dẫn có thể dụ dỗ trẻ sử dụng dễ dàng.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và trường học thì vai trò của phụ huynh là rất quan trọng trong chủ động phòng ngừa, “cách ly” trẻ với ma túy và các chất cấm. Theo các chuyên gia tâm lý, việc theo sát, nhận diện những thay đổi từ con để phát hiện con có “dính” chất cấm hay không là rất cần thiết. Nhưng quan trọng hơn hết không chỉ là xử lý khi hậu quả đã xảy ra mà phụ huynh cần chủ động trong phối hợp với nhà trường, với cộng đồng để giáo dục, nâng cao nhận thức định hướng con tránh xa các chất cấm.
Để làm được điều này, cha mẹ cần tham gia một cách tích cực vào giáo dục và giám sát hoạt động của con cái, tuyệt đối không tự ý áp dụng biện pháp trừng phạt hay sử dụng bạo lực với con khi có nghi ngờ. Cha mẹ cần thiết lập môi trường gia đình với nếp sống lành mạnh, có sự giao tiếp cởi mở và tin tưởng con cái, dành thời gian thảo luận và lắng nghe ý kiến của con về trường học, bạn bè và các hoạt động xã hội.
Việc chủ động giáo dục con về ma túy và chất cấm rất quan trọng. Cha mẹ cần tăng cường trò chuyện cùng con về tác động và hậu quả của các chất kích thích. Bản thân cha mẹ cũng cần cập nhật những chất cấm, ma túy thế hệ mới có nguy cơ tấn công trẻ em để giáo dục con phòng tránh, tạo điều kiện cho con được hiểu rõ về nguy hại của chất cấm và khuyến khích con đặt mục tiêu, lựa chọn lành mạnh cho tương lai của mình.
Hiện, không ít phụ huynh còn lơ là trong phối hợp cùng nhà trường để giáo dục con cái. Điều này dễ làm nảy sinh hệ quả trẻ thiếu sự theo sát, bị “thả nổi”, cha mẹ không thể nắm bắt các thay đổi, phát triển tâm sinh lý của con kịp thời để uốn nắn. Vì vậy, các chuyên gia khuyên phụ huynh cần xây dựng mối quan hệ với giáo viên và nhà trường, thường xuyên giao tiếp với thầy cô của con và cùng đề ra những phương án giáo dục, kiểm tra khi trẻ có những biểu hiện lệch hướng.