Quốc hội cùng Chính phủ khơi thông nguồn lực phát triển: Kỳ 3: Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, tạo động lực mới cho phát triển đất nước

Cập nhật: 05/12/2023 09:00

Hình ảnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn) (PLVN) -Bên cạnh việc phát hiện những điểm bất cập, một trong những kết quả nổi bật trong đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa qua là đưa ra hướng xử lý khá cụ thể…

Hình ảnh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
(PLVN) -Bên cạnh việc phát hiện những điểm bất cập, một trong những kết quả nổi bật trong đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật vừa qua là đưa ra hướng xử lý khá cụ thể đối với mỗi nội dung được phát hiện, cả về tiến độ và cách thức thực hiện. Qua đó, góp phần quan trọng khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Rõ tiến độ, cách thức tháo gỡ

Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ, rà soát độc lập của các cơ quan của Quốc hội (QH) và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH đều cho thấy các văn bản được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tính thống nhất, tính đầy đủ, tính đồng bộ, tính khả thi, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cũng theo kết quả rà soát, hệ thống pháp luật vẫn còn có những điểm chồng chéo, chưa hợp lý – tuy số lượng văn bản phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn không nhiều (khoảng 6,5%).

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật của đợt rà soát này là bên cạnh việc phát hiện những điểm bất cập, thì mỗi nội dung được phát hiện đều có hướng xử lý khá cụ thể, cả về tiến độ và cách thức thực hiện. “Chẳng hạn như, đối với nội dung trong các luật trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ 6 thì cơ quan của QH phụ trách dự án phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, có phương án xử lý ngay trong dự thảo luật; đối với các nội dung trong dự án luật trình QH cho ý kiến lần đầu thì các vướng mắc sẽ được xử lý trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu QH”, đại biểu cho hay.

Với các nội dung trong các dự án luật trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và các luật đã có trong Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH thì Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ chủ trì nghiên cứu để xử lý phù hợp khi xây dựng các dự án luật, báo cáo Chính phủ xem xét trước khi trình QH… Tổng hợp chung, có đến 70% những nội dung vướng mắc, bất cập trong luật, pháp lệnh, nghị quyết là thuộc các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc đang được xem xét đưa vào chương trình để sửa đổi, bổ sung. Riêng đối với nội dung được phát hiện là có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong các văn bản dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, các cơ quan của Chính phủ và QH đã rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để làm rõ các nội dung, quy định có vướng mắc, bất cập hoặc mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản, đồng thời đề xuất hướng xử lý cụ thể. “Qua đó, mỗi kiến nghị sửa đổi luật đều được cân nhắc bảo đảm thực sự cần thiết và thích đáng, tránh cả hai thái cực là mọi vấn đề khó khăn, vướng mắc đều quy cho thể chế, pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc tuyệt đối hóa pháp luật đều tốt mà bất cập, vướng mắc là do công tác tổ chức thực hiện”, Đại biểu Đỗ Đức Hiển nói.

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, QH ghi nhận và đánh giá cao việc rà soát; đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra trong các văn bản dưới luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có liên quan. Đồng thời, QH cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương kịp thời triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được QH thông qua, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật; Kịp thời phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đã hoàn thành 83,2% nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ

Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra nhiệm vụ gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.

Có thể khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được chú trọng. Các luật, nghị quyết được QH ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng, chống đại dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh…

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, chúc Tết đại biểu QH chuyên trách ở Trung ương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Văn phòng QH đầu năm 2022, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của QH: “Làm sao để chúng ta có một hệ thống luật pháp về mặt hình thức phải đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, nhưng về mặt nội dung phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững hơn nữa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa. Đó là điều chúng ta phải trăn trở. Chúng ta xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế là để kiến tạo cho sự phát triển”.

Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV vừa diễn ra, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cho biết, với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 6, đến nay, dù mới ở năm giữa của nhiệm kỳ QH khóa XV nhưng QH, các cơ quan của QH, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%.

Thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, QH, UBTVQH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của QH vào cuộc sống.

Đầu tháng 9 vừa qua, UBTVQH cũng đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của QH khoá XV nhằm hiện thực hoá yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của QH đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Quốc hội ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn

Đại biểu Đỗ Đức Hiển. Ảnh PV
Đại biểu Đỗ Đức Hiển. Ảnh PV

Tại Diễn đàn kinh tế – xã hội năm 2023, để kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó có hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, về lâu dài, để góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nói chung, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong các VBQPPL nói riêng, các cơ quan của QH cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL trong công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Kịp thời tổ chức giám sát chuyên đề, giải trình về việc thực hiện pháp luật trong một số lĩnh vực qua theo dõi có nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập, thủ tục hành chính gây phiền hà, nội dung VBQPPL có dấu hiệu mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tiễn, gây bức xúc trong dư luận để có giải pháp khắc phục, hoàn thiện chính sách, pháp luật…

Đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc hơn nữa trách nhiệm rà soát VBQPPL của các cơ quan đã được Luật Ban hành VBQPPL quy định. Theo Đại biểu, đây là khâu rất quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật và cần được tiến hành thường xuyên; kết quả rà soát cần được sử dụng làm thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. “Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững” mà Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra”, Đại biểu cho hay.

Với những kết quả đã đạt được trong công tác lập pháp và giám sát của QH thời gian qua, đặc biệt là từ cuộc giám sát VBQPPL quy mô lớn vừa được tiến hành, có thể thấy rõ vai trò của QH trong việc kiến tạo cho sự phát triển; sự đồng hành của QH với Chính phủ trong việc lắng nghe, phúc đáp những phản hồi của cuộc sống đối với các chính sách. Điều này càng thể hiện một QH sát dân, gần dân, sát thực tiễn, kiến tạo.

Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An), lần rà soát VBQPPL vừa qua tập trung để tháo gỡ, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19. Nhấn mạnh, việc xử lý kết quả rà soát mới là điều quan trọng, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi có những khó khăn, vướng mắc của các địa phương thì phải sớm có sửa đổi hoặc có hướng dẫn để tháo gỡ. Các cơ quan xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật phải tiếp thu ý kiến nhiều hơn nữa. “Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL mà có sai sót thì phải chịu trách nhiệm”, đại biểu nói.

Tin liên quan