Tăng cường trách nhiệm cán bộ
– Bộ Chính trị ban hành quy định mới về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thay thế Quy định số 260 ngày 2.10.2009. Thưa ông, Quy định số 41-QĐ/TW đã có những điểm mới nào so với quy định cũ?
– Điểm mới nổi bật tại Quy định 41 của Bộ Chính trị là quy định cụ thể, lượng hóa hơn các căn cứ để xác định khi nào thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ, đặc biệt là đã làm rõ khái niệm về miễn nhiệm, từ chức. Theo Quy định 260, khái niệm từ chức là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Tại Quy định 41, từ chức được giải thích rõ ràng là “việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”.
Ngoài ra, Quy định 41 cũng nói rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, ghi rõ nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức; quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức… Các căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ tại Quy định 41 của Bộ Chính trị được sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa và cập nhật các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Tại Quy định 41 của Bộ Chính trị cũng quy định rõ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Tức là, quy trình xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức đã được rút ngắn thời gian và thống nhất để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Yêu cầu đặt ra là phải kiên quyết, kịp thời cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đầy đủ căn cứ theo Quy định của Bộ Chính trị và tuyệt đối không được thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.
– Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã lượng hóa cụ thể mức tín nhiệm, uy tín cán bộ đến mức nào sẽ phải từ chức, miễn nhiệm. Việc này có tạo ra văn hóa từ chức không, thưa ông?
– Lần này, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, cụ thể hóa những tư duy, quan điểm mới về công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một số bài học kinh nghiệm thực tiễn, Quy định 41 sẽ tạo ra những thay đổi trong nhận thức về đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn cán bộ, rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng với tình hình mới. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng đều đưa ra yêu cầu về phẩm chất, năng lực mới với cán bộ theo hướng ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, Quy định 41 cũng mở ra hướng cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nếu đã từ chức, được bố trí công tác khác và được đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, khắc phục yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Đây là quy định mới, trước đây Quy định 260 chưa đề cập đến, được xem là “lối mở” cho người sau từ chức, tránh quan niệm đã từ chức là “về vườn”.
Quy định 41 đã nêu cụ thể về nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ và quy trình xem xét thực hiện miễn nhiệm, từ chức với cán bộ. Việc ban hành quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ cũng sẽ góp phần để từng bước hình thành văn hóa từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm.
Kỷ luật tự giác chỉ bắt đầu từ kỷ luật bắt buộc
– Một trong những nguyên tắc mới được đề cập đến tại khoản 3 Điều 3 Quy định 41-QĐ/TW đó là “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Sự nghiêm khắc này trong kỷ luật Đảng sẽ có tác động như thế nào, theo ông?
– Trước kia có tình trạng, khi đang chuẩn bị kỷ luật bằng hình thức miễn nhiệm với một cá nhân có khuyết điểm và được tổ chức đánh giá có thể gây ra những hậu quả nhất định ở mức độ khác nhau trong tổ chức Đảng và tác động đến xã hội, đời sống nhân dân, thì đương sự đôi khi lại làm đơn xin từ chức. Hành vi từ chức này cho thấy cá nhân nhận thức đúng vấn đề, hối cải, tự nhận ra khuyết điểm và đồng ý với tổ chức. Việc từ chức này trên thực tế là tự nhận một hình thức kỷ luật nhẹ hơn, vì ở nước ta đôi khi người ta nghĩ do cá nhân không có khuyết điểm, chỉ không thích phương thức vận hành quy trình làm việc ở đơn vị công tác nên xin từ chức. Đây là một sơ hở trong quá trình thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ.
Nguyên tắc mới được đề cập tại Quy định 41 “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm” đã bịt lại lỗ hổng, tránh đối tượng xấu lợi dụng. Những kẻ cơ hội thường lợi dụng vào một số kẽ hở của quy định, quy chế. Nếu chúng ta “đan dầy” quy định, không có kẽ hở nữa thì những cá nhân có tư tưởng xấu sẽ rón rén, không có cơ hội tận dụng kẽ hở quy định pháp luật để lợi dụng nữa.
– Theo ông, trong quá trình thực hiện Quy định 41 tới đây cần chú ý những vấn đề nào?
– Khi thực hiện Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cơ quan chức năng cần xác định rõ, khi miễn nhiệm một cán bộ không nhất thiết là cán bộ đó phải đến mức từ chức. Miễn nhiệm rộng hơn, có khi phẩm chất tốt, năng lực không yếu, nhưng sang một lĩnh vực mới thì sở trường của cá nhân đó không phù hợp nữa. Thực tế, một cá nhân có sở trường nghiên cứu, phân tích và khả năng viết nếu đưa vào làm công việc cụ thể sẽ không phù hợp. Ngược lại, người thực thi công vụ tốt nhưng khả năng tham mưu, tư vấn lại yếu, thì nếu đặt ở một vị trí không phù hợp sẽ không phát huy được sở trường của họ.
Do vậy, khi bố trí cán bộ, mỗi tổ chức Đảng, người đứng đầu tổ chức phải cân nhắc cả hai yếu tố năng lực và sở trường, hai yếu tố này luôn phải song hành với nhau trong một cán bộ. Khi bố trí cá nhân phù hợp với năng lực, sở trường thì họ mới có cảm hứng, đam mê, trách nhiệm và tập trung làm việc. Nếu không có sự tập trung, làm việc sẽ không có hiệu quả.
Ở Quy định 41 của Bộ Chính trị đã nêu những tiêu chí để nhận diện những cơ sở để xem xét miễn nhiệm, từ chức, thời hạn miễn nhiệm, điều kiện miễn nhiệm… Nhưng, để hiểu từng tiêu chí như thế nào vẫn cần có một hướng dẫn chi tiết để hướng dẫn thực hiện để các đơn vị áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ. Ngoài ra, bên cạnh Quy định 41 cũng cần có quy định ở những văn bản khác để bảo đảm tính nhân văn, giáo dục và tính tổ chức ở Đảng cao hơn. Có như vậy, thói quen không từ chức sẽ được thay đổi, vì kỷ luật tự giác chỉ bắt đầu từ kỷ luật bắt buộc. Sự bắt buộc đến ngưỡng nào đó sẽ chuyển hóa thành sự tự giác.
– Xin cảm ơn ông!