Khi ở trong nước, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, bị xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, bị tuyên án 10 năm tù giam và sau đó bị trục xuất sang Mỹ.
Khi sang đất Mỹ, với những thành tích bất hảo chống lại Tổ quốc, nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được thế lực thù địch, phản động bên ngoài tìm cách đánh bóng tên tuổi, đào tạo và gán cho những giải thưởng hào nhoáng như: giải thưởng “Tự do báo chí Quốc tế 2018”; giải thưởng “Nhân quyền 2019”… Nhưng sống lâu trên đất Mỹ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới dần hiểu ra “miền đất hứa” này không phải mọi điều đều xứng là “miền đất hứa”.
Chính vì lẽ đó, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã viết loạt bài với các nhan đề trên tài khoản Facebook cá nhân: “Cuộc tranh luận về thuốc điều trị sốt rét sẽ đi đến đâu?”,“Nước Mỹ không vĩ đại như người ta tưởng” và “dịch bệnh nên đọc cảnh báo của chuyên gia y tế đừng nghe lời lãnh đạo”… Những bài viết của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ trích Tổng thống Mỹ khi trong bài phát biểu cuộc họp báo ngày 19-3, Tổng thống Donald Trump nói: “Thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine có thể bào chế ngay lập tức để trị COVID-19”. Ông cũng cho biết “sẽ thúc đẩy Cơ quan kiểm soát dược phẩm (FDA) uyển chuyển hơn trong các quy định để sớm có các phương tiện chống dịch”.
Quỳnh cho rằng, tác dụng phụ khi dùng thuốc gốc chloroquine/hydroxychloroquine là “nôn mửa trào mật, tiêu chảy trào bồn cầu, dùng lâu ảnh hưởng đến thị giác, thính giác và cả hệ tim mạch”; “Nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ. Thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, Tổng thống kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không!?”. Từ những viện dẫn về đánh giá của các chuyên gia y tế, cũng như các phân tích lập luận của cá nhân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết luận không nên tin theo lời lãnh đạo nước Mỹ vì có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào.
Sau những loạt bài gây sóng gió chỉ trích Tổng thống Mỹ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận tại Mỹ. Một số người thậm chí còn cảnh báo sẽ đề xuất chính phủ Hoa Kỳ trục xuất Quỳnh nếu như giữ thái độ phản kháng mẫu quốc của họ. Họ cho rằng, Quỳnh là kẻ “vong ân bội nghĩa”, “phản chủ”, mặc dù đã được nước Mỹ cưu mang sau những “thành tích” chống đối Việt Nam, nay lại phản kháng chính người đã giúp đỡ mình. Với những áp lực tâm lý đè nặng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã tạm khóa tài khoản Facebook cá nhân của mình.
Sau những diễn biến từ sự việc của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, có thể rút ra một số điều như sau:
Trước tiên, việc chống lại Tổ quốc, nhân dân Việt Nam để đạt được mục đích định cư tại trời Tây là một hành động đáng phê phán. Những tấm gương nhãn tiền như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Bạch Hồng Quyền, Paulus Lê Văn Sơn… với những lời “chát chúa”, “cực khổ” tại trời Tây là lời cảnh tỉnh cho những đối tượng đang tìm cách chống phá Tổ quốc ở trong nước. Nếu như không muốn vỡ mộng vì sự lừa mị từ các đối tượng thù địch, phản động bên ngoài thì tốt nhất hãy đối xử tốt với nơi đã sinh ra mình.
Thứ hai, tự do ngôn luận ở nước Mỹ không phải đã thật “tuyệt vời” như ai đó nghĩ. Mặc dù ngày 14/3 vừa qua, Báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thiếu khách quan đưa ra nhận định: “Hiến pháp và Luật cho phép quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ không tôn trọng các quyền này và nhiều bộ luật còn vi phạm quyền tự do biểu đạt. Chính phủ tiếp tục sử dụng các điều khoản về an ninh mạng và chống bôi nhọ người khác để hạn chế quyền tự do biểu đạt”, tuy nhiên, sau sự việc của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh một lần nữa chúng ta thấy rằng, quyền tự do biểu đạt thông tin, tự do ngôn luận của nước Mỹ đối với người dân vẫn chưa được đảm bảo. Những câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ chúng ta, tại sao Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lại chịu áp lực về tâm lý và đi đến quyết định khóa tài khoản Facebook cá nhân của mình? Nếu nước Mỹ có tự do ngôn luận thì Quỳnh phải được tự do biểu đạt ý kiến của mình chứ ?
Thứ ba, mỗi quốc gia có trình độ, năng lực phát triển riêng, có bản sắc văn hóa riêng, chính vì vậy không nên lấy khuôn mẫu về “dân chủ”, “nhân quyền” của nước này để áp đặt lên nước khác.
Như chúng ta đã biết, năm 1912, khi đến thăm tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ, Bác Hồ đã ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng Thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Những điều trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khiến chúng ta thấu hiểu hơn về sự bình đẳng, về “dân chủ”, “nhân quyền” một cách đúng nghĩa, càng hiểu hơn để có được điều này là cả quá trình đấu tranh gian khổ.
Thực tiễn chứng minh, không có quốc gia vĩ đại tuyệt đối, mà sự vĩ đại phụ thuộc vào “lòng dân” trong mọi thời đại. Như vậy, qua sự việc xảy ra trên đất Mỹ của đối tượng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chúng ta không tuyệt đối hóa về “dân chủ”, “nhân quyền” bởi một quốc gia nào, và cũng không lấy đó làm hệ quy chiếu, thước đo giá trị cho Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Dĩ nhiên, những mặt tốt về giá trị dân chủ, nhân quyền của các nước văn minh, tiên tiến, chúng ta không phủ nhận mà cần phải phấn đấu để trở nên ưu việt hơn.