Siết chặt quản lý cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trong và ngoài công lập

Cập nhật: 06/09/2024 10:57

Vụ việc mái ấm Hoa Hồng hành hạ trẻ em mồ côi đã gây chấn động dư luận. Bên cạnh sự bức xúc, người dân còn đặt ra câu hỏi về những “lỗ hổng” trong hệ thống giám sát và quản lý của chính quyền địa phương đối với các cơ sở chăm sóc trẻ em, cả công lập và ngoài công lập.

Vẫn còn những “lỗ hổng” trong hệ thống giám sát và quản lý của chính quyền địa phương đối với các cơ sở chăm sóc trẻ em, cả trong và ngoài công lập. (Ảnh: Trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng/VietNamNet)

Câu hỏi lớn cho các mái ấm

Theo đăng kí hoạt động, mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, có chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang. Tuy nhiên, thay vì chăm sóc và bảo vệ trẻ em mồ côi như trong chức năng, nhiệm vụ đã đăng kí, tại mái ấm này lại diễn ra hành vi ngược đãi, hành hạ, gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cho các em. Sự việc này không chỉ vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.

Ngày 4/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nghiêm vụ bạo hành trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng. UBND quận 12 đang phối hợp với Cơ quan Công an để mời các đối tượng có liên quan và bà Giáp Thị Song Hương – chủ mái ấm lên điều tra, làm rõ hành vi bạo hành trẻ, đồng thời Sở cũng đề nghị cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan điều tra để củng cố hồ sơ, xử lý cá nhân vi phạm theo quy định; đề nghị xét xử công khai, nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Để thực sự nghiêm minh, “đúng người, đúng tội”, có lẽ cần suy xét trách nhiệm ở tầm rộng hơn. Được biết, mái ấm Hoa Hồng được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp Giấy phép hoạt động số 917/GPHĐ ngày 07/7/2023, đối tượng phục vụ là chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng không quá 39 trẻ.

Tuy nhiên, thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra sau khi sự việc xảy ra, có 85 trẻ đang được nuôi dạy tại mái ấm. Cần làm rõ, con số vượt quá quy định này đã diễn ra bao lâu và chính quyền địa phương có rà soát, kiểm tra hoạt động của mái ấm thường xuyên hay không mà không phát hiện ra.

Mái ấm Hoa Hồng là một cơ sở trợ giúp xã hội khá nổi tiếng, có nhiều kênh truyền thông trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều mạnh thường quân ủng hộ. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, có một số mạnh thường quân đã lên tiếng về những dấu hiệu không tích cực tại mái ấm này. Người dân xung quanh cũng có phản ánh về những tiếng khóc, ré bất thường của trẻ được nuôi dạy nơi đây.

Và để báo chí vào cuộc, tất nhiên phải có sự phản ánh, tố cáo về hành vi hành hạ, đánh đập trẻ do các nhân chứng cung cấp. Như vậy, câu hỏi đặt ra là vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền quản lý mái ấm ở đâu, tại sao lại không hay biết về sự việc cho đến khi được đưa ra công luận?

Cần siết chặt công tác quản lý

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 4/9, ông Nguyễn Tăng Minh – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, quy mô cho phép đối với cơ sở này tối đa là 39 trẻ, thế nhưng cơ sở này đã tiếp nhận tới 85 trẻ em, vượt gấp nhiều lần cấp phép, điều này cho thấy sự buông lỏng trong quản lý.

Hiện thành phố có 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, trong đó có một số do Thành phố cấp phép, còn lại chủ yếu là do các địa phương cấp phép hoạt động. Nhiều người dân đặt ra câu hỏi, liệu với cách quản lý lỏng lẻo như trên, có còn sự việc tương tự xảy ra ở các cơ sở nuôi trẻ mồ côi khác trên địa bàn thành phố hay không?

Trước đó, cũng đã có cơ sở núp bóng tôn giáo, mượn danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, gây tổn hại cho các em bị cơ quan chức năng xử lý. Nên chăng, cần có một hệ thống quản lý minh bạch và chặt chẽ hơn, bao gồm việc cấp phép hoạt động, thường xuyên kiểm tra chất lượng, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Chính quyền cũng cần có các chương trình đào tạo, hỗ trợ cho các mái ấm để họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với trẻ em.

Về phần người dân, một khi có sự phát hiện bất thường tại các cơ sở nuôi trẻ mồ côi, cần có trách nhiệm lên tiếng, báo cáo với cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, xử lý, chấm dứt hành vi sai phạm.

Ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký Công điện số 02/CĐ-BLĐTBXH đề nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh triển khai ngay 3 đầu việc nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, bao gồm: Khẩn trương, kiểm tra xác minh vụ việc do báo phản ánh và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên theo quy định của pháp luật; Thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nêu trên và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu tiến hành rà soát, thanh, kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.

Với sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, sự việc sẽ sớm được xử lý nghiêm minh. Quan trọng hơn, mong rằng sau sự việc này, hoạt động nuôi trẻ mồ côi tại các cơ sở trong, ngoài công lập sẽ được siết chặt, giám sát kĩ lưỡng để những sự việc đau lòng sẽ không còn diễn ra nữa.

Tin liên quan