Sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức pháp chế

Cập nhật: 19/05/2024 22:02

 Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/7/2024.

Hội nghị sinh hoạt công tác pháp chế năm 2023 do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)

Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

Nghị định 56/2024 đã bổ sung nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 5a). Cụ thể, chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, văn bản, hợp đồng theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Tham mưu, tư vấn những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị. Phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập cho viên chức, người lao động. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị giao hoặc theo quy định của pháp luật.

Về tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (gọi là cấp tỉnh), Nghị định 56/2024 sửa đổi, bổ sung theo hướng tổ chức pháp chế này được thành lập tại cơ quan chuyên môn có phạm vi quản lý rộng, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp và do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp không đủ điều kiện và tiêu chí thành lập tổ chức pháp chế thì bố trí trong Văn phòng (nếu cơ quan chuyên môn có Văn phòng) hoặc phòng chuyên môn, nghiệp vụ (nếu cơ quan chuyên môn không có Văn phòng). Tên gọi cụ thể của tổ chức này do UBND cấp tỉnh quyết định. Tổ chức pháp chế này chịu sự kiểm tra về công tác pháp chế của Sở Tư pháp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Nghị định 56/2024 cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 16a). Theo đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức bộ phận pháp chế hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp…

Tin liên quan