Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng

Cập nhật: 07/06/2024 10:48

Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 06/6/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thế; tối ưu hóa quy trình thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử; đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả thực hiện nghĩa vụ thuế, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế, hải quan trong hoạt động thương mại điện tử.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với thương mại điện tử, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ khâu sản xuất đến lưu thông, từ khâu nhập khẩu đến bán hàng; tăng cường trao đổi, kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế tiếp cận, khai thác hiệu quả Hệ thống định danh và xác thực điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến trong từng lĩnh vực.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh trật tự trong hoạt động giao dịch điện tử và thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Công điện 01/CĐ-TCT ngày 04/6/2024 về việc quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương thực hiện triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,…

Liên quan đến vấn đề này, cùng ngày 04/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội XV về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công thương, các Đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Công thương về việc có hay không những phiên livestream hàng trăm tỉ đồng và quản lý như thế nào.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay quản lý kinh doanh trên thương mại điện tử khá khó khăn và cần sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Giải pháp tốt nhất là phải có sự phối hợp. Bộ Công thương đóng vai trò chủ trì phối hợp với cơ quan có liên quan, dùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh, tìm địa điểm tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, chống thất thu thuế.

Theo Bộ trưởng, giải pháp tiếp theo là kinh doanh thương mại điện tử biến hóa khôn lường nên các quy định quản lý pháp luật phải tiếp tục được rà soát. Đây là vấn đề mới không chỉ riêng Việt Nam mà các nước cũng gặp phải. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển trên 20%/năm và tương lai còn mạnh hơn nữa vì vậy cơ chế chính sách phải sửa đổi rà soát tiếp.

Giải pháp nữa là phải phát huy vai trò hệ thống chính trị, vai trò của người dân, vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì xóa, yêu cầu chủ phòng livestream xóa kênh thì sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật, hàng giả hàng kém chất lượng. Khi có chứng cứ vi phạm thì sẽ hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan quản lý pháp luật xử lý…

theo TRẦN QUÝ – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-kiem-tra-doi-voi-hoat-dong-livestream-ban-hang-1717730727.html

Tin liên quan