Tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương

Cập nhật: 25/03/2024 11:27

“Tăng cường giám sát, khảo sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND; xử lý dứt điểm những kiến nghị sau giám sát, góp phần chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 sáng nay (25/3).

Trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, HĐND các cấp đã bám sát chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, bám sát thực tiễn, cộng đồng trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, đã ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, công tác giám sát;

thanh2.jpeg
Toàn cảnh hội nghị.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, kiến tạo và phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt trên 85%

Theo bà Thanh, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, cơ bản bảo đảm thực chất, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, về hoạt động tiếp xúc cử tri đã có nhiều đổi mới. Hình thức tiếp xúc cử tri phong phú, thành phần tham dự, địa bàn tiếp xúc được mở rộng, kết hợp tiếp xúc cử tri nhiều cấp, đồng thời kết hợp tiếp xúc cử tri trực tuyến.

“Hiệu quả tiếp xúc cử tri được nâng lên, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri được tăng cường, dân chủ ngày càng được mở rộng; một số địa phương đã kết hợp với tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành tốt chính sách của Đảng. Năm 2023, số lượng kiến nghị của cử tri trung bình cả nước đã được giải quyết đạt trên 85% trở lên”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói.

Về hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được thực hiện tốt. Nội dung khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh của công dân có liên quan chủ yếu đến lĩnh vực tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ, bồi thường tái định cư, chế độ hưởng bảo hiểm xã hội… Đến nay UBND các địa phương đã có báo cáo kết quả giải quyết đơn gửi về Thường trực HĐND tỉnh theo quy định, nhiều tỉnh có tỷ lệ giải quyết rất cao.

thanh1.jpeg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh

“Nguyên nhân của những kết quả đạt được là do chủ động, linh hoạt giải quyết những vấn đề phát sinh; bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu của cuộc sống, ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của cử tri để chuẩn bị “từ sớm, từ xa” các nội dung hoạt động”, bà Thanh nói.

Chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBTVQH đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn nữa, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND, tạo đột phá hơn nữa để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

“Tăng cường giám sát, khảo sát và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND; đẩy mạnh công tác đôn đốc, trả lời, xử lý dứt điểm những kiến nghị sau giám sát nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động giám sát, góp phần chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, tạo đồng thuận cao xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân”, bà Thanh nói.

thanh3.jpeg
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, tăng cường công tác khảo sát; tổ chức tốt các phiên giải trình của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; thường xuyên rà soát, theo dõi giám sát việc triển khai thực hiện các các Nghị quyết, kết luận của HĐND, Thường trực HĐND, đồng thời cần đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND để triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, khắc phục tốt những hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác ban hành các cơ chế, chính sách cho phù hợp với quy định của pháp luật và với tình hình thực tiễn của địa phương; tích cực phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh khi thực hiện giám sát, khảo sát việc thi hành pháp luật tại địa phương.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp xúc cử tri; tiếp nhận, xử lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định, nhất là các vụ việc cấp bách, tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm.

theo Duy Tuấn – Báo Công lý

https://congly.vn/tang-cuong-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-o-dia-phuong-423001.html

Tin liên quan