Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi khó khăn về tài chính

Cập nhật: 03/11/2022 08:56

 –  Đó là tinh thần nêu trong Kế hoạch số 283/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 -2030.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Kế hoạch nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát, đánh giá và đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật liên quan đến chính sách trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho người làm công tác trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính; truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi; trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố về nội dung trên; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính…

Về tư vấn pháp luật, thành phố sẽ tăng cường thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý tại các xã, phường, thị trấn, Hội Người cao tuổi, các câu lạc bộ người cao tuổi, các cơ sở trợ giúp xã hội…; mỗi năm thực hiện 50 – 70 cuộc tư vấn pháp luật tại cơ sở.

Cùng với đó, Hà Nội chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu…

Ngoài ra, Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch số 284/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, hàng năm, thành phố giao các sở, ngành liên quan tổ chức 20 – 30 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho người dân, trong đó chú trọng người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Tổ chức 15 – 20 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, phụ nữ thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Mỗi năm, các đơn vị tổ chức 3 – 5 cuộc tập huấn chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế để nâng cao kiến thức, kỹ năng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tổ chức 5 – 7 cuộc tập huấn về cơ chế phối hợp thông tin trợ giúp pháp lý cho công chức phòng tư pháp, cán bộ cấp xã (cán bộ tư pháp – hộ tịch, công an xã và công chức cấp xã khác).

Mặt khác, các đơn vị tổ chức 3 – 5 cuộc tập huấn bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý cho cán bộ thôn, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý đến trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

Thông qua các hoạt động trên nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý cho người dân, người nghèo, người yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, tổ chức và cá nhân có liên quan…

Tin liên quan