Tập trung thanh tra các lĩnh vực nguy cơ và nhiều dư luận về tham nhũng

Cập nhật: 08/11/2022 16:26

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết như vậy khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 8/11.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo tại phiên họp.

19 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Theo báo cáo, năm 2022, công tác PCTN thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng PCTN đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (TC) đã khẳng định “công tác PCTN, TC đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, về thực hiện quy tắc ứng xử, đã tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 299 trường hợp so với năm 2021). Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng, đã chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022, có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 79.102 tỷ đồng, 10.621 ha đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 538 vụ, 306 đối tượng. Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.777 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.696 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 132,9 tỷ đồng, 122 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 148,9 tỷ đồng, 20,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 119 tổ chức, 576 cá nhân; kiến nghị xử lý 547 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 55 đối tượng.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng, gồm tăng thu ngân sách nhà nước 3.263 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 17.767,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 14.464,7 tỷ đồng; giảm lỗ 798,5 tỷ đồng. Chuyển 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

Về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, các cơ quan điều tra đã thụ lý 687 vụ án, 1.439 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so năm 2021); đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 336 vụ/765 bị can.

Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can; đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can. Tòa án Nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 577 vụ /1.399 bị cáo; đã giải quyết 533 vụ/1.272 bị cáo; trong đó đã xét xử 410 vụ/945 bị cáo.

Về công tác thi hành án, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, ứng với hơn 89 nghìn tỷ đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, ứng với hơn 43 nghìn tỷ đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, ứng với 15,9 nghìn tỷ đồng (tăng 290% so với năm 2021).

Dự báo, trong những năm tới, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, Chính phủ cho biết, trong năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nguy cơ và nhiều dư luận về tham nhũng…

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước ; một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…

Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Về nguyên nhân của những hạn chế, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh một số nguyên nhân như một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác PCTN, TC.

Một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp PCTN, TC của Đảng còn chậm được thể chế hóa; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế- xã hội và PCTN trên một số lĩnh vực chưa kịp thời, nhiều quy định thiếu chế tài cụ thể.

Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về PCTN, TC tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.

Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Tin liên quan