Tham vấn ý kiến sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Cập nhật: 29/12/2023 14:45

* Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo

Sáng 29.12, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội nghị.

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện HĐND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là một dự thảo luật khó, vì tác động đến nhiều đối tượng từ các cơ quan Trung ương và địa phương và các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, các đại biểu cho ý kiến về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã đầy đủ chưa; về mục đích, quan điểm sửa đổi, bổ sung luật; về phạm vi điểu chỉnh và đối tượng áp dụng của luật. Theo đó, cần bám sát yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng, để giải quyết tốt các mối quan hệ giữa hoạt động giám sát và công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mối quan hệ giữa tính cấp thiết và tính ổn định lâu dài, thống nhất trong hệ thống pháp luật: Trên tinh thần những vấn đề cấp thiết đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, có sự đồng thuận cao thì luật hóa và thể hiện cho được. Những vấn đề tuy cấp thiết nhưng chưa chín, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì có thể cần thí điểm hoặc quy định chung về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ… quy định cụ thể.

Giải quyết mối quan hệ giữa khắc phục luật khung, luật ống với giải quyết vướng mắc từ thực tiễn để luật sớm đi vào cuộc sống. Mối quan hệ giữa đổi mới hoạt động giám sát và đổi mới tổ chức, bộ máy; giữa hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND và hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của Đảng, Chính phủ, cơ quan tư pháp, giám sát phản biện. Mối quan hệ giữa đổi mới và tính kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, mô hình giám sát của Nghị viện một số nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần đánh giá 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách đã đầy đủ, cụ thể, rõ ràng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa; cần bổ sung, làm rõ những vấn đề gì.

Về dự thảo báo cáo tổng kết, ngoài những kết quả đạt được, đề nghị tập trung cho ý kiến về những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân cho đầy đủ, sát đúng với thực tế, vì đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung tại dự thảo đề cương chi tiết. Các nội dung của dự thảo báo cáo đã thể đầy đủ, rõ ràng, bố cục hợp lý và logic chưa? còn thiếu những nội dung, thông tin gì, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đối với, dự thảo đề cương chi tiết, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ các nội dung đề xuất bãi bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung mới đã phù hợp với các chính sách chưa đề nghị xây dựng luật chưa? có nội dung nào cần đánh giá tác động bổ sung; Đề cương có thể chế hóa được các quan điểm của Đảng có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát.

Khẳng định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu nêu rõ, Kết luận 843 của Đảng đoàn Quốc hội có nêu, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đổi mới hoạt động giám sát là rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát. Nghị quyết 27- NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định: Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình…

Vậy trong lần sửa đổi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt câu hỏi: chúng ta có đặt ra vấn đề xem xét, làm rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội và HĐND hay không? Hay là mức độ giám sát của HĐND cấp tỉnh đối với các cơ quan nhà nước ở cấp huyện, cấp xã như thế nào? Chúng ta tiếp cận vấn đề đến đâu? có vượt qua mức độ sửa đổi, bổ sung một số điều hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Nghị quyết 27 của Trung ương đặt ra thời gian thực hiện từ năm 2030 – 2045, chứ không phải thực hiện ngay bây giờ, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương thì cần xác định những nội dung gì, mức độ làm rõ đến đâu, để lần sửa đổi này làm rõ một bước, rồi tiếp tục thực hiện và tiếp tục sửa đổi luật này từ nay đến 2045, chứ không phải lần sửa đổi này giải quyết tất cả vấn đề.

Với phân tích trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi của dự án luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tập trung vào những vấn đề nổi cộm, những vấn đề đã nhận diện được, đã thực hiện, đã đổi mới, cải tiến để nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, tháo gỡ những vướng mắc đã được nhận diện. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thì tiếp tục nghiên cứu, chưa đặt vấn đề sửa đổi toàn diện luật ở lần sửa đổi này.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu rất sâu sắc, trách nhiệm, các ý kiến rất hữu ích, giúp cho Ban Chỉ đạo đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, làm rõ hơn các đề xuất kiến nghị, phạm vi, cơ sở thực tiễn và các giải pháp đề nghị bổ sung vào luật.

theo Hoàng Ngọc – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan