Thảo luận tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật: Tạo điều kiện cho nhà đầu tư và bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện quốc gia

Cập nhật: 06/01/2022 13:47

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, sáng nay, 6.1, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 Luật – PV).

Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre thảo luận tại tổ

Giải quyết nút thắt này liệu có phát sinh nút thắt khác?

Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa)

Liên quan tới nội dung sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực. ĐBQH Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa) nhất trí việc sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát huy vai trò của khu vực tư nhân và các nguồn lực xã hội trong đầu tư xây dựng lưới điện và truyền tải điện. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn trong huy động đầu tư tư nhân nâng cấp hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất do sự phát triển nóng của các nhà máy điện năng lượng tái tạo vừa qua. Thực tế chứng minh đây là hướng đi đúng, đồng thời cũng phù hợp tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định và chế định cụ thể để xác định vận hành lưới điện do tư nhân đầu tư với vận hành lưới điện quốc gia do nhà nước quản lý.

Bên cạnh đó, ĐB Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phải có khái niệm và các quy định bảo đảm an ninh hệ thống của lưới điện quốc gia. Vai trò độc quyền của Nhà nước trong vận hành hệ thống phải bao trùm để đảm bảo nền tảng quan trọng nhất của mạng lưới điện. “Tóm lại, phải có khái niệm rất rõ và kể cả các quy định cụ thể đi kèm”, ông nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre)

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu vấn đề bàn giao tài sản của ngành điện hiện vẫn đang thiếu quy định, thiếu phương pháp để xác định giá trị cũng như hạch toán tài sản. Thực tế, nhà đầu tư tư nhân đầu tư rất nhiều, thậm chí là bàn giao tài sản với giá trị 0 đồng. Cần đặt ra câu hỏi tại sao đầu tư tài sản lớn như thế mà nhà đầu tư vẫn đảm bảo có lời? Liệu có phải chính sách thu hút đầu tư điện gió, điện mặt trời quá hời để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra giá trị khác mà không cần phải lấy lại chi phí? Theo ĐB Thuỷ, đây là vấn đề cần hoàn thiện khi sửa đổi Luật Điện lực lần này.

Việc sửa đổi Luật Điện lực lần này phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế về việc tham gia, ký kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia và an toàn lưới điện chứ không phải chỉ đặt mục tiêu thu hút nhà đầu tư tư nhân dẫn đến sự đầu tư ồ ạt như thời gian qua. Nếu sửa Luật Điện lực chỉ để thu hút đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải mà không quan tâm lưới điện quốc gia, theo ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ sẽ “giải quyết được nút thắt này nhưng lại gây ra nút thắt khác”. Một số trạm biến áp tư nhân đầu tư trong thời gian qua đều cắt vào trục 500 KW của chúng ta. Làm thế nào để rạch ròi vai trò điều hành, vận hành cũng như đấu nối của tư nhân nhằm đảm bảo an toàn mạng lưới điện quốc gia vẫn chưa thể hiện được trong dự thảo Luật.

Cần quy định chung, thống nhất

Nêu thực tế hiện nay mỗi địa phương đang thực hiện một kiểu, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng rất cần quy định chung, thống nhất từ Trung ương. “Ví dụ các địa phương chọn nhà đầu tư để đầu tư dự án điện rác đang rất mông lung. Có địa phương áp dụng quy trình đấu thầu cũ. Trong khi điện rác không giống những dự án BOT khác vì đặc điểm nổi trội là thông qua công nghệ. Tuy nhiên, có địa phương lại yêu cầu các nhà đầu tư đến trình bày công nghệ rồi đưa ra giá, sau đó mới viết hồ sơ thầu và tiết lộ hồ sơ của nhà đầu tư nhưng nguyên tắc đấu thầu phải bí mật hồ sơ thầu nếu không sẽ dẫn tới sai lệch và không minh bạch”, ông cho biết.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

Điều 4 của Luật Điện lực về việc Nhà nước độc quyền xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, ĐB Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần cụ thể nội hàm điện lớn là bao nhiêu, như thế nào. Chẳng hạn, điện gió ngoài khơi có công suất tới vài Gigawatt có được coi là điện lớn hay không? Sau này, khi Việt Nam phát triển điện mặt trời nhưng nước ngoài có những công nghệ điện mặt trời phát điện vào ban đêm thì một nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ phải đầu tư khoảng 1-2 Gigawatt. Một công nghệ lớn, mới như thế mà chỉ cho đầu tư vài trăm Megawatt thì nhà đầu tư sẽ không tham gia. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định, định nghĩa rõ ràng để triển khai thực hiện.

Đối với quyền đấu nối, các doanh nghiệp đầu tiên đã bỏ tiền ra xây dựng đường truyền tải điện tới mạng chính của EVN và doanh nghiệp sau cũng đấu nối vào thì có quyền nhưng phải trả tiền nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thực tế đã có tình trạng doanh nghiệp đầu tư trước chịu thiệt so với doanh nghiệp đầu tư sau. Thêm vào đó, Luật Đầu tư đã khẳng định rõ quyền bảo vệ tài sản, các doanh nghiệp đầu tư đấu nối bàn giao cho EVN mà EVN cho doanh nghiệp khác đấu nối điện lại không tham khảo ý kiến của doanh nghiệp đầu tư, theo đại biểu tỉnh Bình Dương, sẽ xâm phạm quyền tài sản của doanh nghiệp.

theo Tin và ảnh: Hồ Long – Báo đại biểu nhân dân

Tin liên quan

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức giao ban các đơn vị khu vực Vụ Địa bàn II - Cập nhật: 05/04/2024 14:08
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng: Thông điệp văn hóa trong một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Cập nhật: 04/04/2024 08:33
Thủ tướng: Khi đã quyết tâm rồi, chỉ “bàn làm, không bàn lùi” - Cập nhật: 29/03/2024 13:47
Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Cập nhật: 29/03/2024 09:33
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Cập nhật: 28/03/2024 10:55
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội xem xét 4 nội dung quan trọng - Cập nhật: 27/03/2024 10:49
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị chuyên đề - Cập nhật: 27/03/2024 10:33
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành, chia sẻ, nâng cao chất lượng giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của địa phương - Cập nhật: 25/03/2024 12:22
Nâng cao trách nhiệm giải trình phải trở thành nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội - Cập nhật: 19/03/2024 15:51
Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV Quyết tâm, song hành đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống - Cập nhật: 07/03/2024 09:55