99,5% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri
Đa số ĐBQH tán thành với kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV; cho rằng, với 2.751/2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đạt 99,5% đã thể hiện sự cầu thị, tiếp thu của các bộ, ngành, địa phương trong việc trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Từ đó, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện các giải pháp trong quản lý, điều hành để kịp thời hỗ trợ người dân trong mọi mặt của đời sống.
ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) khẳng định, việc đưa nội dung về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm vào thảo luận đã thể hiện Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về tổ chức hoạt động sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn đồng hành cùng Nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhấn mạnh, cử tri mong muốn đây sẽ là hoạt động thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội và được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trên các kênh truyền thông như các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chỉ rõ, thực trạng thời gian qua cho thấy, điểm bất cập trong công tác triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết được thông qua trong Kỳ họp. Ngày càng nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri quan tâm việc nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn cho công tác thực thi nhiệm vụ của chính quyền các cấp và nhiều hoạt động kinh tế – xã hội. Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 27 ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả là giải pháp cần thiết nên sớm triển khai trong thực tiễn. Do đó, theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, để đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, cần có kế hoạch rà soát, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định chặt chẽ hơn về thời hạn, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của đơn vị soạn thảo và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cần sớm chấm dứt tình trạng khiếu nại, tố cáo tập thể đông người, vượt cấp
Qua thảo luận, vấn đề khiến các ĐBQH còn lo ngại đó là tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể đông người, vượt cấp vẫn xảy ra.
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vình), trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể đông người giữa cấp vẫn còn xảy ra, với nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép…
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng như Thường trực HĐND các tỉnh cũng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng này. Mặt khác, mức độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, trong khi vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thì chưa được phát huy. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn một số hạn chế nhất định; việc các cơ quan Trung ương có văn bản chuyển đơn về địa phương đề nghị rà soát, xử lý khi nội dung đơn đã có quyết định giải quyết cuối cùng, hợp tình, hợp lý cũng là nguyên nhân công nhân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và gây áp lực với cơ quan dân dân cử và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, hiện tại chưa có phần mềm lưu trữ và tra cứu liên thông dành cho đơn thư khiếu nại, tố cáo từ Trung ương đến địa phương. Do đó, việc tra cứu bị hạn chế, một số đơn, thư đã lâu, khó nắm thông tin nên chưa bảo đảm tính kịp thời.
Đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường tập huấn về công tác tiếp công dân và quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân.
Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem xét, giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự quy định của pháp luật những vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại đến cơ quan trung ương thì cần có văn bản trả lời rõ ràng, dứt khoát cho công dân biết có thụ lý, giải quyết hay không, hoặc hoặc xét thấy việc giải quyết đã đúng quy định thì giải thích cho công dân hiểu và chấp hành, tránh tình trạng ban hành văn bản chuyển về địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan để người dân nắm rõ; nâng cao vai trò của các tổ chức hỗ trợ, tư vấn pháp lý ở địa phương; tiếp tục duy trì, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; sớm triển khai áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử kết nối về việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở cấp tỉnh và cấp Trung ương…