Ảnh minh họa.
Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội được Đảng ta xác định là một trong mười mối quan hệ lớn cần giải quyết trong định hướng phát triển giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, nhằm tạo dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thực hành dân chủ là tiến trình đưa các quan điểm, lý luận, lý thuyết dân chủ vào hiện thực cuộc sống. Thực hành dân chủ chính là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật về dân chủ, bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Pháp chế là một chế độ xã hội đặc biệt đòi hỏi mọi chủ thể phải nghiêm chỉnh và triệt để tuân theo hiến pháp và pháp luật. Tăng cường pháp chế là tăng cường quản lý mọi hoạt động của xã hội bằng pháp luật. Muốn xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa cần phải có hai điều kiện: có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; có ý thức thượng tôn hiến pháp và pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội.
Kỷ cương xã hội là tạo lập và duy trì một trật tự xã hội theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm kỷ cương xã hội cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, trong đó tăng cường tổ chức thực hiện pháp luật là cơ chế để bảo đảm thực hiện tốt mối quan hệ này.
Thực hiện pháp luật là quá trình biến chuyển hóa các quy định của pháp luật vào thực tiễn đời sống thành những xử sự cụ thể, biến nó trở thành những hành vi hợp pháp của các chủ thể. Thể chế pháp lý bảo đảm kỷ cương pháp chế, phát huy dân chủ bao gồm tổng thể các quy định trong Hiến pháp và pháp luật do nhà nước ban hành liên quan đến chủ thể, nội dung, đối tượng, quy trình, thủ tục, các biện pháp… được áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện đúng mục đích, có hiệu lực và hiệu quả. Do vậy, việc tổ chức thực hiện pháp luật, phát huy dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội chính là quá trình tổ chức thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác.
Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện pháp luật của nhà nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp cho các quy định của Hiến pháp và pháp luật đi vào thực tế cuộc sống, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”(1); “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”(2). Do vậy, thực hiện quy định về quyền làm chủ của Nhân dân trước tiên được thể hiện thông qua việc thực hiện các quy định của Hiến pháp về quyền dân chủ của người dân.
Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Dân chủ trực tiếp là hình thức mọi người dân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua quyền bỏ phiếu để bầu ra các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; trực tiếp quyết định các vấn đề của đất nước; được thể hiện ý kiến và nguyện vọng của mình thông qua trưng cầu dân ý cũng như quyền được bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.
Dân chủ đại diện là việc nhân dân thông qua người đại diện của mình để thực hiện quyền lực, mà không phải là trực tiếp thực hiện quyền lực của mình. Nhân dân thông qua các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là những người đại diện do mình trực tiếp bầu ra thực hiện việc ban hành pháp luật và quản lý các công việc chung.
Để tổ chức cho người dân thực hiện quyền của mình, Nhà nước đã tổ chức để công dân thực hiện quyền bầu cử một cách nghiêm túc, hiệu quả trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Trong các cuộc bầu cử, mọi công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật đều được lập danh sách cử tri và tham gia bầu cử đầy đủ. Các tổ bầu cử luôn tạo điều kiện thuận lợi để mọi cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình, qua đó lựa chọn và bầu ra những đại biểu ưu tú đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri tham gia vào hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước. Bên cạnh đó, thời gian qua, Nhà nước ta cũng đã tạo mọi điều kiện về thể chế và cơ chế để người dân có thể thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Người dân được tham gia thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề lớn của đất nước thông qua việc tiếp thu ý kiến của nhân dân về dự thảo Hiến pháp, dự thảo các luật, nhất là những văn bản luật có tác động, ảnh hưởng lớn tới kinh tế xã hội, đời sống nhân dân. Điển hình như dự thảo Hiến pháp năm 2013 đã được các cơ quan nhà nước, ban ngành, đoàn thể, các tổ dân phố gửi trực tiếp tới từng hộ gia đình cho nhân dân góp ý vào dự thảo. Hay dự thảo Luật Đất đai cũng được ban soạn thảo cùng các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến đông đảo của các tầng lớp nhân dân… Đây chính là những hình thức để Nhà nước tổ chức thực hiện quy định về “quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội” của nhân dân. Đặc biệt, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 là một trong những cơ chế bảo đảm để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Theo đó, luật quy định những nội dung, hình thức nhân dân bàn và quyết định, nhân dân tham gia ý kiến, nhân dân kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến. Với việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian tới là một bước tiến trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bên cạnh hình thức nhân dân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình, thời gian qua, hình thức dân chủ đại diện cũng được phát huy một cách tích cực. Các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thường xuyên tiếp xúc cử tri để thông tin kết quả các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp hội đồng nhân dân, lắng nghe các ý kiến phản ánh của cử tri cũng như trả lời, giải đáp các câu hỏi của cử tri. Qua đó, các đại biểu tiếp thu các ý kiến, nguyện vọng, những bức xúc của cử tri về những vấn đề có liên quan tới kinh tế – xã hội, kịp thời phản ánh lên Quốc hội, hội đồng nhân dân để có những biện pháp điều chỉnh về chính sách, các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân.
Ngoài ra, hệ thống các quy định của pháp luật về bảo đảm các quyền cơ bản của công dân như quyền được học tập, quyền được lao động, quyền được tư do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm, quyền được khám chữa bệnh… đều được các cơ quan nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để người dân thực hiện một cách tốt nhất các quyền của mình. Qua đó góp phần đưa đời sống người dân từng bước được nâng lên không chỉ về vật chất mà cả về văn hóa, tinh thần.
Cùng với việc tổ chức cho người dân thực hiện các quyền làm chủ của mình, bảo đảm các quyền công dân được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ, Nhà nước cũng tăng cường biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trực tiếp quyền công dân cũng như xử lý các hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống phá, xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điển hình như vụ án Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm là thành viên nhóm “Báo sạch”, hay vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng… Việc quyết liệt xử lý các hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân cũng là hình thức bảo đảm cho các quy định của pháp luật hình sự nói riêng cũng như các quy định pháp luật nói chung được thực hiện, góp phần bảo đảm tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội.
Những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm dân chủ trong thời gian qua đã góp phần hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm dân chủ cũng còn một số bất cập, hạn chế, làm cho tính kỷ cương pháp chế chưa được bảo đảm, điển hình như: Điều 29 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân đủ 18 tuổi có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý; Điều 120 có quy định “trưng cầu ý dân về Hiến pháp”. Trưng cầu ý dân là một hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Các bản Hiến pháp của nước ta qua các thời kỳ đều đề cập và quy định về trưng cầu ý dân. Ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Tuy nhiên cho đến nay chưa có cuộc trưng cầu ý dân nào được thực hiện.
Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm; Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Tuy nhiên cho đến nay, trình tự để cử tri bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội chưa được quy định cụ thể. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thời gian qua chủ yếu được thực hiện bởi Quốc hội. Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đều bỏ ngỏ quy định về trình tự thực hiện quyền bãi nhiệm của cử tri đối với đại biểu Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa ban hành hướng dẫn về trình tự bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của cử tri, do đó cử tri chưa thể thực hiện được quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Theo quy định của pháp luật hiện hành, “dân bàn” được thể hiện dưới ba hình thức: nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương nhiều trường hợp dân bàn nhưng theo sự áp đặt của chính quyền địa phương, đồng thời chính quyền địa phương không thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân. Nhân dân chủ yếu bàn và quyết định các nội dung do ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đề xuất, chưa phát huy được vai trò của người dân và các chủ thể khác trong việc đề xuất những nội dung đưa ra nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế; cơ chế đối thoại giữa chính quyền và người dân chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khởi kiện các quyết định hành chính, đặc biệt là về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, do trình độ nhân dân không đồng đều, một bộ phận người dân chưa quan tâm đến những vấn đề của địa phương, ít tham dự các buổi họp ở thôn, tổ dân phố nên chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách hoặc không tham gia đóng góp ý kiến nên chính quyền không thể tập hợp đầy đủ mong muốn chính đáng và ý kiến xác đáng của mọi người dân(3).
Xuất phát từ thực trạng thực hiện pháp luật về dân chủ như nêu ở trên, để tăng cường thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế và kỷ cương xã hội, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới cần lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần phải rà soát hệ thống chính sách, pháp luật nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình một cách thực chất. Những nội dung về quyền dân chủ, quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp cần phải được thể chế hóa cụ thể thành các luật, các văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền dân chủ của người dân.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho nhân dân thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật. Các cấp chính quyền phải luôn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận thông tin, phát huy tính chủ động, được bàn, quyết định những vấn đề có liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân. Tổ chức triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách nghiêm túc, nhanh chóng và thực chất.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật để mọi người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân để người dân chủ động, tích cực thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia giám sát và phản biện đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước; đồng thời thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng các điều kiện để bảo đảm thực hành dân chủ. Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho người dân, tạo điều kiện để nhân dân thực hành dân chủ. Thực hiện quyền tiếp cận thông tin và bình đẳng về thông tin là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện dân chủ trong nhân dân.
Thứ năm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện quyền công dân. Nghiêm trị các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, xâm phạm tới quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
(1) Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
(2) Điều 3 Hiến pháp năm 2013. (3) Tờ trình số 141/TTr-CP ngày 21/4/2022 về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Chính phủ trình Quốc hội. |
theo TS NGÔ THỊ MAI LINH
Học viện Cảnh sát nhân dân – Tạp chí luật sư VN