Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới; đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19.
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 với phương châm hành động 16 chữ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, Bộ này xây dựng Báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế-xã hội hằng tháng, hằng quý phục vụ các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, phiên họp thường kỳ của Chính phủ,… dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đề xuất Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022; tham mưu, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chủ trì tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới; xây dựng dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, căn cứ Kết luận Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội…
Để phấn đấu phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua và khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế trong công tác tham mưu, tổng hợp, Bộ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày báo cáo công tác năm 2022. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Bên cạnh đó, ngành khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan; tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đã đề ra.
Ngành cũng tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Ngoài ra, ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế; thúc đẩy các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu giảm phát thải ròng về không vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26, lồng ghép các mục tiêu về phát thải khí nhà kính vào các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Ngành này cũng tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn liền với công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển cán bộ.
Đồng thời, ngành tiếp tục điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, nhà nước và Chính phủ; phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục phối hợp bộ, ngành và địa phương triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược quốc về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050…