Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Cập nhật: 17/05/2024 11:10

 Ngày mai (18/5) là Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam. Những năm qua, KH&CN Việt Nam đã có thành tựu đáng mừng. Chính vì thế, những xếp hạng quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam không ngừng được cải thiện.

Ảnh minh họa (Ảnh: Chinhphu.vn)

Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với 2022. Trong 10 năm qua, tính từ 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới coi là quốc gia đạt tiến bộ về ĐMST một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ. Đến nay, Việt Nam đã có 4 “kỳ lân” khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Về thành tựu chung, phải ghi nhận rằng, lực lượng KH&CN Việt Nam đang tham gia tích cực và đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Chúng ta đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động to lớn lên toàn bộ các hệ thống toàn cầu, tạo ra sự chuyển hóa toàn bộ các hệ thống: sản xuất, quản lý, phân phối, tiêu dùng… KH&CN và ĐMST là những yếu tố nền tảng của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Do vậy, KH&CN và ĐMST đã và đang có nhiệm vụ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Phải thẳng thắn thừa nhận KH&CN của đất nước vẫn còn một số hạn chế, bất cập; tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lực lượng KH&CN đông nhưng chưa mạnh, nhiều vướng mắc từ thực tiễn vẫn chậm được giải quyết. Xin nêu một ví dụ, gần đây xảy ra việc thiếu cát cho các công trình xây dựng, nhưng làm sao để có thể sử dụng cát mặn (khai thác từ bờ biển) thì câu trả lời vẫn chưa hoàn hảo về mặt khoa học.

Trong các nguyên nhân làm cho KH&CN đất nước chậm phát triển, có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp; kinh phí đầu tư hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KH&CN và ĐMST chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thị trường KH&CN phát triển còn chậm. Ở Việt Nam chưa có sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung – cầu về KH&CN; ĐMST còn hạn chế, chưa có tính đột phá. Để giải quyết được các “điểm nghẽn” trên, ngoài hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cần sửa đổi cho phù hợp, chúng ta đang rất cần nguồn lực đầu tư, nhân lực chất lượng cao và biết lựa chọn công nghệ phù hợp để chuyển giao, ứng dụng.

Tin liên quan