Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các giải pháp

Cập nhật: 06/11/2023 10:11

Trình bày Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí đều khẳng định, trong thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, chức năng được giao.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, ngay sau phần trình bày báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư.

Xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội

Trình bày Báo cáo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi các Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Tòa án Nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa án các cấp khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp toàn diện, công tác của các Tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Về việc thực hiện nhiệm vụ “Xét xử kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 82/2019/QH14, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, từ ngày 1.7.2019 đến 30.6.2023, các Tòa án đã thụ lý 126 vụ với 375 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 114 vụ với 348 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đạt tỷ lệ 90,5% về số vụ và 92,8% về số bị cáo, vượt 2,5% chỉ tiêu Quốc hội đề ra. 100% vụ án liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Chất lượng giải quyết, xét xử được bảo đảm, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo yêu cầu tại Nghị quyết số 121/2020/QH14, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ, từ ngày 1.7.2020 đến 30.6.2023, các Tòa án đã thụ lý 7.064 vụ với 7.677 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em; đã đưa ra giải quyết, xét xử 6.755 vụ với 7.318 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,63% về số vụ và 95,32% về số bị cáo; vượt 5,63% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội. 100% vụ án được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định. Tòa án cũng đã thành lập và đi vào hoạt động nề nếp Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại 2 Tòa án nhân dân cấp cao, 38 Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tại các đơn vị còn lại sẽ căn cứ vào nhu cầu công việc và số lượng biên chế sẽ thành lập thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các giải pháp -0
Các đại biểu dự Phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo yêu cầu tại Nghị quyết số 74/2022//QH15, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các Tòa án đã tập trung giải quyết nhanh các vụ án từ khâu thụ lý hồ sơ đến phân công Thẩm phán nghiên cứu và sớm đưa vụ án ra xét xử; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; chú trọng áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 147 vụ với 490 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản hơn 1.200 tỷ đồng; có 109 vụ với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 408 tỷ đồng.

Về việc thực hiện nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội” quy định tại Khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1.10.2020 đến 30.6.2023, các Tòa án đã thụ lý 1.450.770 vụ việc; đã giải quyết 1.276.435 vụ việc, đạt tỷ lệ 88%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án hàng năm đều đáp ứng chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%).

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 95% (vượt 7% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ việc dân sự đạt tỷ lệ 86% (vượt 8% chỉ tiêu Quốc hội giao); các vụ án hành chính đạt tỷ lệ 77,65% (vượt 17,65% chỉ tiêu Quốc hội giao).Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ. Năm 2022, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của hệ thống Tòa án đã vượt 2,4% chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thực hiện Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, trong thời gian qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3.2023. Trước các kỳ họp của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo kịp thời giải đáp, trả lời những kiến nghị của cử tri. Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Tòa án nhân dân tối cao đã trả lời 100% các kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển cho Tòa án.

Bên cạnh đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số lượng biên chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được tăng tương ứng với việc gia tăng thẩm quyền, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc của một số đơn vị, Tòa án chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu công việc, nhất là việc triển khai Luật Hòa giải đối thoại, tổ chức xét xử trực tuyến…

Nguồn vốn đầu tư công nhà nước phân bổ hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đầu tư; kinh phí sửa chữa bảo trì trụ sở được cấp hàng năm còn thấp. Một số Tòa án địa phương chưa chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật…

Tập trung chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của ngành kiểm sát

Trình bày Báo cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong thời gian qua đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các giải pháp -0
Các đại biểu dự Phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, Viện kiểm sát các cấp tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan tư pháp khác để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 14 kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý liên quan đến đất đai.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan ký ban hành Thông tư liên tịch về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về vụ việc xâm hại trẻ em để kịp thời thu thập chứng cứ, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết và chống bỏ lọt tội phạm.

Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, trong thời gian qua, công tác thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Viện kiểm sát kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa tội phạm, tỷ lệ chấp nhận đạt 98,6%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.

Về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội, Viện trưởng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công trong ngành kiểm sát; Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân để toàn ngành thực hiện; chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được cấp, các dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà lưu trú công vụ, việc mua sắm trang thiết bị.

Viện trưởng cũng cho biết, quá trình triển khai công tác còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều quy định mới của các đạo luật về tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những quy định trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân.

Bên cạnh đó, thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiệm vụ của Viện kiểm sát tăng lên rất nhiều, xuyên suốt từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đặc biệt, việc thực hiện quy định Kiểm sát viên phải tham gia một số hoạt động điều tra và trực tiếp điều tra đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với đơn vị có địa bàn rộng, chưa có điều kiện bố trí đủ công chức, Kiểm sát viên.

Đề ra giải pháp cho thời gian tới, Viện trưởng cho rằng, cần thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết 96 của Quốc hội, phấn đấu không để xảy ra các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội. Tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

theo Lê Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan