Thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa: Để quy định đi vào cuộc sống

Cập nhật: 05/04/2023 08:32

  Nhằm triển khai, thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngành Văn hóa đã và đang có nhiều hoạt động đánh giá tình hình thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, để hướng tới mục tiêu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa đạt chất lượng, hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

Hội nghị Tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định 131. Ảnh: VGP

Mức phạt chưa tương xứng

Cuối tháng 3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều nhất trí với nhận định vấn đề xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay đang ở tình trạng “quy định thấp quá nên không sợ” và cần thiết phải điều chỉnh mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 131 nhằm đảm bảo tính răn đe.

Ông Hoàng Văn Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam cho biết, Nghị định 131 qua thời gian áp dụng đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả đã trở nên không còn phù hợp, không còn tương thích so với các khoản lợi bất chính thu được của người vi phạm cũng như những thiệt hại gây ra cho các chủ sở hữu quyền.

Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 13 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định này, mức phạt đối với cá nhân là từ 5-10 triệu đồng, đối với tổ chức là từ 10-20 triệu đồng. Đây là mức phạt được đánh giá là quá thấp so với quy mô và doanh thu của các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỉ đến hàng chục tỉ), lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý và thói quen coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả.

Từ góc độ thanh tra ngành Văn hóa, bà Đặng Thị Quỳnh Hoa – Trưởng phòng Thanh tra văn hóa, Thanh tra Bộ VH,TT&DL cũng cho hay, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong Nghị định 131, mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng còn ở mức thấp, không đủ sức răn đe.

Do đó, Nghị định khi sửa đổi cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả “buộc xin lỗi tác giả, người biểu diễn” đối với các hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, quyền nhân thân của người biểu diễn. Đồng thời, bổ sung quy định “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng”, theo bà Đặng Thị Quỳnh Hoa.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Đề xuất này được nhiều đại biểu tán đồng tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Sở VHTT thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 31/3/2023 vừa qua. Tại Hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo đại diện các sở VH,TT&DL địa phương đã nêu nhiều vấn đề chi tiết, sát thực về quản lý hiệu quả các hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Ngày 21/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Quảng cáo. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập nảy sinh trong hoạt động quảng cáo, như sự cân bằng các yếu tố văn hóa – kinh tế trong hoạt động quảng cáo; sự thích ứng của các DN quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản là việc xây dựng, ban hành, thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đang đặt ra, dẫn đến hoạt động quảng cáo của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy tốt và hiệu quả nhất đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Có thể thấy, thực trạng này ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đơn cử như ở Đà Nẵng, theo đại diện Sở VHTT Đà Nẵng tại hội thảo thì từ khi Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành đầu năm 2013, Sở VHTT Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp để phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố còn một số bất cập cần giải quyết. Bất cập thứ nhất là quy hoạch quảng cáo; thứ hai là công tác cấp phép; thứ ba là về công tác xử phạt.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Sở VH TP HCM Trần Thanh Vương thông tin, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, lập quy hoạch quảng cáo ngoài trời căn cứ theo Luật Quảng cáo và các văn bản quy định có liên quan, TP HCM gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý, xử phạt. Các quy định chồng chéo cũng khiến địa phương chưa tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển bền vững.

Tại thành phố Cần Thơ cũng gặp bất cập trong triển khai thực hiện Luật Quảng cáo đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời. Áp dụng theo một số điều luật, cơ quan quản lý nhà nước đã và đang gặp khó khăn trong việc thống nhất nội dung sản phẩm quảng cáo. Hoặc trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu cũng chưa được quy định trong pháp luật quảng cáo hiện nay…

Sớm sửa đổi để thúc đẩy hiệu quả của quản lý nhà nước

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh sự ra đời của Nghị định 131 đã góp phần khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo…

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như Nghị định quy định mức phạt tiền thấp và mức phạt tiền chỉ dựa vào hành vi, không căn cứ vào mức độ gây thiệt hại của hành vi, không căn cứ vào giá trị số lượng hàng hóa sao chép lậu, dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, chưa tương xứng mức độ gây thiệt hại của hành vi đối với một số hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm trên môi trường số, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL cũng cho rằng, trong tình hình mới, chế tài phải đủ mạnh để răn đe, tuy nhiên, các quy định đồng thời cũng phải khuyến khích, động viên sáng tạo. Thẩm quyền xử phạt làm sao cho phù hợp, đi cùng với đó là các điều kiện thực thi, điều kiện về con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất, dữ liệu trong bối cảnh không gian môi trường mạng và số…

Về giải pháp tháo gỡ khi thực thi Luật Quảng cáo, tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở ngày 31/3/2023, Sở VHTT Đà Nẵng đã kiến nghị với Bộ VH,TT&DL sớm ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP.

Trong đó, hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đấu thầu cho thuê các vị trí quảng cáo ngoài trời theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong trường hợp thấy cần thiết, đề nghị sửa đổi theo hướng áp dụng hình thức đấu giá đối với các vị trí quảng cáo này. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng quy định cụ thể về thời gian thực hiện quảng cáo đối với phương tiện bảng quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; hướng dẫn công tác quản lý đối với bảng quảng cáo trên màn hình điện tử, tránh trường hợp để xảy ra vi phạm mới khắc phục hậu quả. Có phương án xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh và có hướng dẫn chi tiết hơn về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời để phù hợp hơn với thực tiễn công tác quản lý, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Phía Sở VHTT TP HCM đưa một số kiến nghị như không quy hoạch chi tiết vị trí quảng cáo ngoài trời đối với các bảng ốp vào công trình xây dựng có sẵn; bổ sung các quy định chi tiết về sự phối hợp quản lý, quy trình thực hiện cấp phép xây dựng và thông báo sản phẩm quảng cáo trong Luật Quảng cáo; và một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ, xây dựng, đấu thầu…

Tin liên quan

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức giao ban các đơn vị khu vực Vụ Địa bàn II - Cập nhật: 05/04/2024 14:08
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng: Thông điệp văn hóa trong một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Cập nhật: 04/04/2024 08:33
Thủ tướng: Khi đã quyết tâm rồi, chỉ “bàn làm, không bàn lùi” - Cập nhật: 29/03/2024 13:47
Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Cập nhật: 29/03/2024 09:33
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Cập nhật: 28/03/2024 10:55
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội xem xét 4 nội dung quan trọng - Cập nhật: 27/03/2024 10:49
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị chuyên đề - Cập nhật: 27/03/2024 10:33
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành, chia sẻ, nâng cao chất lượng giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của địa phương - Cập nhật: 25/03/2024 12:22
Nâng cao trách nhiệm giải trình phải trở thành nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội - Cập nhật: 19/03/2024 15:51
Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV Quyết tâm, song hành đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống - Cập nhật: 07/03/2024 09:55