Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực

Cập nhật: 11/01/2024 09:04

Một trong những kết quả nổi bật của ngành nội chính Đảng trong thời gian qua, đó là đã tham mưu ban hành 3 Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 sáng nay, 10.1, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết, tới đây, sẽ chuẩn bị ban hành thêm 2 Quy định nữa, để “hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực”, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành nội chính và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trong năm vừa qua. Đồng thời khẳng định, sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết 1 năm thành lập; khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình làm việc, đưa hoạt động của các Ban chỉ đạo đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, trong số liệu báo cáo cho thấy, năm 2023, các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, tăng gần 2 lần so với năm 2022, tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Nhiều vụ án lớn kéo dài nhiều năm đã được khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và cán bộ, đảng viên.

Đánh giá cao sự chủ động của Ban Nội chính Trung ương trong công tác tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương 18 đề án lớn, không chỉ với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn tham mưu các chủ trương, giải pháp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế chỉ đạo phối hợp để phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, cơ chế phân hóa xử lý hình sự một số vụ án, vụ việc lớn dư luận xã hội quan tâm, “vừa nghiêm minh, vừa nhân văn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư”.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh kết quả lớn “chưa nhiệm kỳ nào làm được” của ngành nội chính Đảng, đó là đã tham mưu ban hành 3 Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thường trực Ban Bí thư cũng cho biết, tới đây, sẽ chuẩn bị ban hành thêm 2 Quy định nữa, để “hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực”, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nước.

Lưu ý, ngành nội chính Đảng và các Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần tiếp tục khắc phục tồn tại, vướng mắc đã nêu ra, Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn chỉ rõ, kết quả đạt được cũng chưa thực sự đồng bộ, chất lượng, hiệu quả ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; có nơi chưa quyết tâm cao, có nơi còn giữ thái độ dè dặt, e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích; một số địa bàn còn để xảy ra vụ việc lớn, hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc dư luận.

Vì thế, trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân vi phạm trong nhiệm kỳ để có giải pháp khắc phục tốt hơn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật ở những lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định, quy chế của Đảng trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phải hết sức chú trọng việc “tự rèn luyện, tự soi, tự sửa”, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, nhất là người đứng đầu, cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu toàn ngành nội chính Đảng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương đồng thời đề nghị, toàn ngành và các Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần khẩn trương tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác trọng tâm năm 2024 của hai Ban Chỉ đạo cả ở Trung ương và địa phương. Quan tâm chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các quy định mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong đó, tập trung “tham mưu, chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong khối nội chính, tham mưu kịp thời cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hiệu quả các vấn đề nổi lên liên quan đến an ninh, trật tự, không để hình thành các “điểm nóng”, không để bị động, bất ngờ.

Nhấn mạnh, công tác của ngành nội chính Đảng nói riêng và các cơ quan nội chính nói chung luôn luôn là những vấn đề khó, nhạy cảm vì đụng chạm đến sinh mệnh chính trị của con người, liên quan chặt chẽ đến sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, Trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu, mỗi cán bộ, công chức ngành nội chính Đảng cần phải bản lĩnh, liêm chính, có trái tim “nóng” và cái đầu “lạnh”; thận trọng, khách quan, công tâm; luôn cầu thị, khiêm tốn, học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan nội chính chặt chẽ; kiên quyết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 5 tập thể của ngành nội chính Đảng, nhằm ghi nhận thành tích sau 3 năm thực hiện phong trào thi đua chuyên đề “Phát hiện và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh, trật tự trên địa bàn” giai đoạn 2020 – 2023.

Nhân dịp này, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 18 cá nhân có nhiều thành tích trong công tác.

theo T. Tâm – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan