Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là một thành tố quan trọng của khung pháp lý tư pháp hình sự Việt Nam. Trong đó, chế định chứng cứ và chứng minh giữ vai trò là “trái tim” của tố tụng hình sự. Kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn thi hành cho thấy bên cạnh những điểm tiến bộ thì quy định của pháp luật Việt Nam về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần khắc phục.
Khái niệm chứng cứ chưa được diễn đạt một cách khoa học, không giúp phân biệt được giữa chứng cứ và nguồn của chúng. Nguyên tắc loại trừ chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ thứ cấp (chứng cứ phái sinh) chưa được ghi nhận đầy đủ và rõ ràng. Quy định về các loại nguồn chứng cứ, nhất là dữ liệu điện tử, còn khá sơ sài. Quy định về trách nhiệm chứng minh tội phạm của Toà án gây nhiều tranh luận. Quy định về các hoạt động chứng minh còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện.
“Đây là một phần nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và thiếu thống nhất trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Thực trạng này cho thấy việc tiếp tục cải cách pháp luật tố tụng hình sự nói chung và chế định chứng cứ, chứng minh nói riêng ở nước ta là một nhu cầu cấp bách; góp phần vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, TS Lê Trường Sơn nhấn mạnh.
TS Lê Trường Sơn cho rằng quy định của pháp luật về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần khắc phục
Phân tích về việc sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, hiện nay dịch vụ Internet đã có khả năng hỗ trợ với các thiết bị di động nên việc sử dụng Internet không ngừng tăng lên và các đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội khác cũng có xu hướng tăng rất nhanh.
Tội phạm thực hiện trên không gian mạng không còn bị kiểm soát bởi biên giới quốc gia, các đối tượng phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, trên phạm vi rộng, số lượng bị hại rất lớn và hành vi phạm tội liên quan đến một khối lượng khổng lồ các dữ liệu điện tử có khả năng thu giữ được, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải có phương pháp, cách thức để chắt lọc, thu giữ, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử hợp lý mới có thể chứng minh tội phạm một cách đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời.
Theo chuyên gia, hệ thống các khung pháp lý quy định về việc khai thác dữ liệu điện tử nhằm phục vụ việc buộc tội, tranh tụng trong các vụ án hình sự chưa được ban hành một cách đầy đủ, thống nhất; chưa có một quy trình chuẩn để thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh bằng kỹ thuật số khi hỏi cung bị can, lấy lời khai, thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng…; chưa có các văn bản quy định về cách thức, tiểu chuẩn khi khôi phục dữ liệu điện tử bị xóa từ các thiết bị điện tử, phương tiện điện tử;…
“Bên cạnh đó, các kiểm sát viên chưa được đào tạo một cách bài bản, đầy đủ để có hiểu biết sâu sắc về dữ liệu điện tử, thiết bị, phương tiện điện tử, phần mềm ứng dụng trên các thiết bị, phương tiện điện tử để có thể khai thác đầy đủ, triệt để các dữ liệu điện tử nhằm phục vụ việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự nên gặp không ít thách thức trong sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh tội phạm.
Các điều kiện đảm bảo, hỗ trợ việc khai thác dữ liệu điện tử phục vụ việc giải quyết các vụ án theo quy định của tố tụng hình sự vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chưa được trang bị các thiết bị, phương tiện điện tử và phần mềm tương thích phục vụ cho các hoạt động tố tụng hình sự. Việc nhận thức và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến dữ liệu điện tử phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến nay vẫn chưa được các cấp, các ngành, các cơ quan tư pháp đánh giá cao và quan tâm một cách đúng mức, trong phạm vi cả nước, có nhiều vùng trình độ dân trí còn thấp, kém nên còn xa lạ với các thiết bị, phương tiện điện tử, kỹ thuật số”, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh phân tích.
Chuyên gia cho rằng, ngoài những khó khăn trên, còn có một số thách thức, khó khăn mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải khi khai thác nguồn dữ liệu điệu tử phục vụ việc điều tra, giải quyết vụ án như: Chưa có quy định và sự thống nhất trong việc quy định nghĩa vụ của các công ty viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ mạng máy tính, mạng viễn thông phải cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật dữ liệu điện tử về người dùng bao gồm nội dung về hoạt động của họ và địa chỉ IP, các thông tin khác không thuộc nội dung sử dụng dịch vụ hoặc không có quy định thống nhất về trách nhiệm lưu giữ các dữ liệu này trong khoảng thời gian là bao lâu.
Vì thế trong trường hợp tội phạm sử dụng các phần mềm, trang Web có máy chủ đặt bên ngoài quốc gia mà hành vi phạm tội được diễn ra sẽ khiến các cơ quan tố tụng càng khó thu thập được các dữ liệu điện tử từ nhà mạng. Việc quy định người dùng Internet bắt buộc phải thể hiện dõ danh tính không được sự thống nhất ở các quốc gia. Nhiều quốc gia cho phép người dùng có thể ẩn danh (không phải đăng ký tên khi sử dụng) cũng khiến công tác điều tra, phát hiện tội phạm và buộc tội gặp khó khăn hơn; khung pháp lý trong việc bảo quản, thu giữ giữ liệu điện tử theo yêu cầu của quốc gia khác vẫn còn là vấn đề nhạy cảm, hoạt động gián điệp thông qua hệ thống mạng máy tính chưa có những quy định thống nhất giữa các quốc gia. Chưa có những công ước quốc tế điều chỉnh cụ thể vấn đề này.
Chuyên gia góp ý hoàn thiện về chứng cứ, chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự
Việc tuần tra trên mạng để phát hiện các trang web được tổ chức với mục đích phạm tội của lực lượng điều tra còn hạn chế vì lực lượng phòng chống loại tội phạm này thường không phải là lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, các dữ liệu điện tử thu được trong giai đoạn này khi chưa khởi tố vụ án hình sự thì chưa đảm bảo tính hợp pháp theo tố tụng nếu không được chuyển hóa sau đó.
Theo PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Phó trưởng khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho đến hiện tại, Việt Nam là thành viên của nhiều Công ước quốc tế về quyền con người và chống tội phạm điển hình như Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về chống tra tấn; Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước về chống tham nhũng;… Một số quy định của những điều ước quốc tế trên có liên quan đến chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự và đòi hỏi Việt Nam với tư cách là một thành viên của công ước phải có trách nhiệm tiến hành việc nội luật hoá. Đây là một minh chứng của sự tác động từ pháp luật quốc tế đến xu hướng phát triển của pháp luật quốc gia về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự.
theo THÙY TRANG – Báo Văn hóa