Pjico: Không chi trả do hồ sơ không có biên bản thỏa thuận bồi thường
Cụ thể, trong buổi làm việc với PV Báo Giao thông, các ông, bà: Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng; Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng phòng Giám định bồi thường xe cơ giới; Hà Mạnh Cường, nhân viên Phòng Giám định bồi thường xe cơ giới và Ngô Duy Minh, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Pjico Phú Thọ cho biết: Vụ việc trên không phải là Pjico từ chối bồi thường và không nằm trong các điều khoản loại trừ.
Hồ sơ Pjico Phú Thọ nhận được từ cơ quan CSĐT không có biên bản thỏa thuận bồi thường giữa các bên liên quan.
Hơn nữa, đại diện Pjico cho rằng: Ngày 19/2/2020, cơ quan CSĐT đã có báo cáo xác minh vụ việc. Theo đó, hồ sơ thanh toán bảo hiểm đã được đóng lại từ ngày 20/2/2020.
Một tháng sau, ngày 19/3/2020 các bên liên quan mới lập biên bản thỏa thuận tự bồi thường nên không được Pjico chấp nhận.
Hơn nữa, Pjico cho rằng: Khoản 1, Điều 13, Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định: “Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại…”.
Điều 14, Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định: Hồ sơ bồi thường phải có thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ TNGT… Trong khi đó, báo cáo kết thúc xác minh và đề xuất ngày 19/2/2020 của Cơ quan CSĐT Công an Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nêu rõ: “Trong quá trình xác minh, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long là bà Nguyễn Thị Huệ không có đơn, ý kiến đề nghị Cơ quan pháp luật giải quyết và tiến hành định giá giá trị tài sản bị thiệt hại”.
Do vậy Pjico khẳng định vẫn giữ nguyên quan điểm: “Tổn thất của của xe 21C – 029.95 không thuộc phạm vi trách nhiệm giải quyết của Pjico” như văn bản giải quyết bồi thường Pjico Phú Thọ đã gửi cho khách hàng.
Khách hàng mua bảo hiểm: Làm theo hướng dẫn nhưng lại bị từ chối bồi thường
Trước các ý kiến của Pjico, ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long (chủ xe ô tô 21C – 029.95) và anh Nguyễn Đức Hưng – khách hàng mua bảo hiểm Pjico khẳng định: Sau khi vụ TNGT chết người xảy ra, Pjico Phú Thọ không cử người trực tiếp đến giải quyết vụ việc mà nhờ nhân viên của Công ty Bảo hiểm Pjico Yên Bái đến thực hiện.
Các chủ xe khẳng định: Biên bản thỏa thuận bồi thường giữa các chủ xe và người nhà lái xe đã tử vong trên là do vị nhân viên Pjico Yên Bái được giao giải quyết vụ việc hướng dẫn thực hiện.
Lý do biên bản này được lập sau báo cáo xác minh của cơ quan CSĐT 1 tháng là vì quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, các phương tiện trên đều bị cơ quan CSĐT tạm giữ.
“Chỉ khi có báo cáo xác minh trên của Cơ quan CSĐT, nhân viên Pjico mới gọi chúng tôi đến đưa xe đi sửa chữa và hướng dẫn sau khi sửa xong, biết số tiền phải thanh toán thì mới lập biên bản thỏa thuận bồi thường như trên.
Việc vợ tôi là Nguyễn Thị Huệ không có đơn, ý kiến đề nghị cơ quan CSĐT giám định thiệt hại, giải quyết bồi thường dân sự là do các bên đã thống nhất thỏa thuận bồi thường ngay từ đầu. Hơn nữa bà Huệ chỉ là nhân viên quản lý kho tại Công ty, tôi chưa có bất kỳ ủy quyền nào để bà Huệ đại diện giải quyết vụ việc này.
Nhân viên bảo hiểm được giao giải quyết vụ việc này cũng đã biết rõ và hướng dẫn chúng tôi làm hồ sơ như vậy. Vậy mà nay họ bảo không chấp nhận là có dấu hiệu lừa khách hàng, cố tình né tránh trách nhiệm bồi thường”, ông Hoàng Văn Chính, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long nói.
Có thể kiện ra tòa đòi Pjico bồi thường chính đáng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho biết: Trong vụ việc này ý kiến của các luật sư phân tích, đưa ra là hoàn toàn chính xác. Việc Pjico viện dẫn quy định tại Điều 13 và 14, Thông tư 22/2016/TT-BTC là không hợp lý vì Báo cáo xác minh và đề xuất vụ TNGT của Cơ quan CSĐT không khẳng định việc giải quyết này là cuối cùng để đóng lại hồ sơ bảo hiểm.
Trường hợp này, Cơ quan CSĐT đã chuyển hồ sơ về Đội CSGT để tiếp tục xử lý, giải quyết vụ việc nên các bên các chủ xe vẫn có quyền yêu cầu giải quyết bồi thường hoặc tự thỏa thuận bồi thường. Như vậy, có thể thấy việc Pjico Phú Thọ không chấp nhận biên bản thỏa thuận giữa các chủ xe là cố tình hiểu máy móc để né tránh trách nhiệm bồi thường.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ: Pjico cho rằng người điều khiển xe 21C – 029.95 đã sử dụng rượu, bia (nồng độ cồn trong máu là 0,1 miligam/100 mililit máu)… là một trong những nguyên nhân không được bồi thường. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến trách nhiệm bồi thường trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với bên thứ 3. Đây là quy định loại trừ bồi thường bảo hiểm đối với vật chất của chính người vi phạm gây ra khi có sử dụng rượu, bia.
Lãnh đạo Đội CSGT huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nơi tiếp nhận, giải quyết hàng chục vụ TNGT chết người cũng cho rằng biên bản xác minh trên của cơ quan CSĐT chỉ khẳng định không giám định thiệt hại để xử lý hình sự đối với tài xế đã tử vong. Các bên liên quan vẫn có quyền thỏa thuận bồi thường sau vụ tai nạn trên.
Nêu quan điểm giải quyết vụ việc, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, các chủ xe hoàn toàn có quyền nộp đơn khởi kiện, đề nghị TAND TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ – nơi Công ty Bảo hiểm Pjico Phú Thọ lập trụ sở chính để yêu cầu Pjico bồi thường quyền lợi chính đáng cho mình.
Trước đó, Báo Giao thông đã đăng tải các bài viết: “Vì sao bảo hiểm Pjico Phú Thọ từ chối bồi thường sau vụ TNGT chết người”, “Pjico Phú Thọ từ chối bảo hiểm sau TNGT chết người là vi phạm?”, phản ánh kiến nghị của các chủ xe không được bồi thường TNGT sau khi mua bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới tại Công ty Bảo hiểm Pjico Phú Thọ. Theo đó, nhiều luật sư cho rằng lý do viện dẫn để từ chối bảo hiểm của Pjico là cách hiểu máy móc, vi phạm các quy định, trách nhiệm liên quan.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Theo Văn Thương – Báo giao thông