Ảnh minh họa.
Căn cứ Điều 1, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, án lệ được hiểu là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Do đó, về bản chất, án lệ không phải quy định pháp luật mà chỉ là một phần trong nội dung bản án, quyết định của Tòa án và có tính chất tham khảo chứ không bắt buộc, đây cũng chính là đặc điểm quan trọng để phân biệt giữa án lệ và án mẫu cũng như xác định hiệu lực pháp lý của án lệ.
Tính đến thời điểm tháng 11/2020, ở Việt Nam đã có có tổng số 56 án lệ được công bố, trong đó số lượng án lệ về tranh chấp kinh doanh thương mại còn khá ít với 10 án lệ, chiếm tỉ lệ 17,86% và chỉ tập trung ở một số tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng thông dụng như: hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng tín dụng, hợp đồng cho thuê tài sản, hợp đồng thế chấp,… Trong đó, Án lệ số 09/2016/AL về quan điểm giải quyết khoản lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại là một trong các án lệ phổ biến, được áp dụng nhiều nhất. Án lệ này đã giải quyết tình trạng bỏ ngỏ về cách tính lãi do chậm thanh toán theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, theo đó mức lãi suất này sẽ được tính bằng cách xác định mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm). Đây là cách tính rõ ràng, khách quan, công bằng đối với bên vi phạm và bên bị vi phạm, hoàn toàn phù hợp với thực tiễn giải quyết tranh chấp. Tiếp thu quan điểm tiến bộ trong Án lệ số 09/2016/AL, cách tính lãi suất này đã chính thức được thừa nhận tại Điều 11, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP. Ngoài ra, Án lệ này cũng phân định rạch ròi giữa cách hiểu giữa nghĩa vụ thanh toán và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm để đưa ra cơ sở xác định số tiền lãi cho phù hợp.
Ngoài ra, khi nhắc đến các án lệ điển hình liên quan đến tranh chấp kinh doanh thương mại rất cần thiết phải nhắc đến Án lệ số 36/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận bị hủy bỏ, thu hồi. Theo Án lệ này, mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ do sai sót về diện tích đất và trình tự, thủ tục cấp, tuy nhiên điều này không làm mất đi quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất nên hợp đồng này được xác định là có hiệu lực. Trước khi Án lệ này được công bố, việc giải quyết tranh chấp phát sinh ở các vụ án tương tự này dường như phụ thuộc vào quan điểm của những người giải quyết. Tuy nhiên, kể từ khi được công bố, Án lệ này cũng dẫn đến nhiều quan điểm trái chiều bởi lẽ việc công nhận hiệu lực của hợp đồng thế chấp như vậy dường như đang gián tiếp bảo vệ cho ngân hàng. Song, với quan điểm của tác giả, theo tình huống mà Án lệ số 36 đề cập, việc thu hồi giấy chứng nhận trong trường hợp này không làm thay đổi về chủ thể, đối tượng của hợp đồng mà cụ thể hơn là không làm mất đi quyền của người sử dụng đất, tuy nhiên cần phải xem xét ai là lỗi của người thế chấp trong việc thu hồi giấy chứng nhận để đánh giá xem hợp đồng thế chấp này là vô hiệu hay là hợp pháp.
Bên cạnh những tranh chấp phổ biến từ hoạt động kinh doanh trong nước, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn và xây dựng Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ để áp ứng với xu thế hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện. Theo nội dung Án lệ này, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), thỏa thuận thực hiện L/C theo tập quán thương mại quốc tế (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại quốc tế) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý trong trường hợp này đó là Tòa án phải xác định L/C không bị mất hiệu lực thanh toán vì lý do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ. Có thể nói Án lệ này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc xác định cơ sở để giải quyết tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là dựa trên tập quán thương mại quốc tế (UCP). Đồng thời, Án lệ cũng chỉ rõ được sự thiếu sót, sai lầm trong nhận thức của Tòa án địa phương khi phủ nhận sự độc lập giữa hợp đồng mua bán và L/C trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Như vậy, so với các lĩnh vực khác, các tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại đều khá phức tạp, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên tham gia mà còn tác động gián tiếp đến lợi ích kinh tế của đất nước cũng như các vấn đề khác về an toàn xã hội. Việc lựa chọn và công bố các án lệ liên quan đến lĩnh vực này đã phần nào giải quyết được thực trạng về các vấn đề pháp luật chưa quy định cụ thể, hoặc giải thích những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng, thể hiện lẽ công bằng của pháp luật. Hơn nữa, trải qua quy trình sàn lọc, lựa chọn và công bố một cách kỹ lưỡng về nội dung và hình thức, án lệ chính là một trong các nguồn tư liệu tham khảo uy tín, chất lượng, có độ tin cậy và chính xác cao, được nhiều người tin tưởng và nghiên cứu, áp dụng khi giải quyết các vụ việc tương tự. Có thể khẳng định rằng, các án lệ đã phần nào giải quyết được các khiếm khuyết của pháp luật, góp phần tạo tính ổn định, minh bạch và thống nhất trong các phán quyết của Tòa án.
Tuy nhiên, ở nước ta trong những năm gần đây, các tranh chấp phát sinh nhóm quan hệ này đều có xu hướng tăng dần về số lượng và mức độ phức tạp. Trong khi đó, hoạt động thương mại chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Thương mại năm 2005, tuy nhiên đến nay Bộ luật Dân sự năm 2005 đã được thay thế bằng Bộ luật Dân sự năm 2015 dẫn đến tình trạng xung đột giữa các quy định và mâu thuẫn trong việc áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán. Đồng thời, theo thống kê tại Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của TAND Tối cao, hiện đã có 1.032.604 bản án, quyết định được công bố, trong đó số lượng bản án, quyết định thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại là 18.585 (1), con số này so với số lượng án lệ về kinh doanh thương mại là chênh lệch quá lớn chưa thể nào bao quát được các vấn đề còn bất cập trong thực tiễn xét xử, giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, án lệ không phải là quy định pháp luật, không có tính bắt buộc phải thực hiện và hiệu lực pháp lý của án lệ tại Việt Nam vẫn khá thấp, chưa thực sự được chú trọng so với các nguồn pháp luật khác như văn bản quy phạm pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật (2). Điều này đã vô hình chung đặt ra nhiều gánh nặng và áp lực cho các thương nhân, cá nhân tham gia kinh doanh thương mại cũng như các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đòi hỏi cấp thiết về yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh.
Để khắc phục tình trạng trên, tác giả kiến nghị cần phải tăng cường công tác quản lý, rà soát về bản án, quyết định của Tòa án để xây dựng thêm nhiều án lệ khác về kinh doanh thương mại. Để làm được điều này, rất cần thiết phải có sự mạnh dạn từ các Thẩm phán, nhà nghiên cứu về việc đưa ra ý kiến đề xuất các bản án, quyết định hay và hiệu quả để trở thành án lệ. Đồng thời, cần nghiên cứu, xem xét để đưa án lệ lên ưu tiên áp dụng trước tập quán để khắc phục những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, giải quyết tranh chấp để từ đó bảo vệ được tối đa được quyền và lợi ích của những chủ thể liên quan.
Kết luận
“Án lệ” đã dần trở thành một khái niệm quen thuộc với mỗi chúng ta, nhắc đến án lệ chính là sự liên tưởng đến quan điểm, lập luận có tính chuyên môn cao, phù hợp với thực tế và đã được vận dụng để giải quyết một tranh chấp cụ thể. Tuy nhiên, trao đổi về một số án lệ liên quan đến kinh doanh thương mại, có thể thấy mặc dù đây là một nhóm tranh chấp phức tạp nhưng việc xây dựng án lệ liên quan đến lĩnh vực này chưa thực sự được chú trọng và còn nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, áp dụng. Để giải quyết được vấn đề này, rất cần thiết phải cần phải có nhiều giải pháp thiết thực và toàn diện hơn nữa nhằm củng cố, xây dựng và nâng cao vai trò của hệ thống án lệ nói chung và án lệ về kinh doanh thương mại nói riêng, cân bằng được quyền lợi của các chủ thể khác nhau trong xã hội và góp phần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh.
(1) https://congbobanan.toaan.gov.vn/6tatcvn/Thong-ke truy cập ngày 20/11/2022.
(2) http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210998/Ban-ve-an-le-va-viec-ap-dung-an-le-o-Viet-Nam.html truy cập ngày 22/11/2022. |
theo Luật sư NGUYỄN THỊ HỒNG CẨM
Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Na – Tạp chí luật sư VN