Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án 407. (Ảnh: PV) |
Hơn một năm trước – ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2022 – 2027” (sau đây gọi là Đề án). Một dấu ấn nổi bật nhất trong hơn một năm qua là công tác truyền thông chính sách đối với xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một trong những dự án luật thu hút sự quan tâm rất lớn của nhân dân trong thời gian qua, thể hiện qua con số trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật này cũng đã được Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thì chính nhờ việc truyền thông các chính sách cần lấy ý kiến đã giúp nhân dân hiểu và đóng góp ý kiến thực chất cho các nội dung chính sách đó. Trong đó, các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với trên 1,23 triệu lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với trên 1,03 triệu lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với trên 1 triệu lượt ý kiến…
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thông tin, báo chí, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xây dựng chương trình, nội dung truyền thông về một số dự thảo VBQPPL có tác động lớn như Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản… Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các tọa đàm, diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách được sửa đổi, bổ sung trong các đạo luật, qua đó tạo đồng thuận trong xã hội đối với nội dung dự thảo, giúp nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL.
Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án; tổ chức Hội nghị triển khai Đề án; tổ chức các đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tại một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có nội dung về việc triển khai hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật theo Đề án 407.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động truyền thông chính sách. Vì vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Đề án 407, nhất là việc ban hành kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách, bố trí kinh phí, con người để thực hiện hiệu quả Đề án. Phát huy vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL với các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.
Người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng pháp luật và truyền thông dự thảo chính sách; chỉ đạo cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo VBQPPL phải lồng ghép nội dung về truyền thông dự thảo chính sách trong kế hoạch xây dựng VBQPPL hoặc ban hành kế hoạch riêng về truyền thông chính sách pháp luật. Đưa việc đánh giá tình hình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách là một trong các nội dung để Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua dự án, dự thảo VBQPPL.
Đồng thời, khắc phục tâm lý còn e ngại góp ý, truyền thông phản biện xã hội về dự thảo chính sách. Chính sách được nghiên cứu, ban hành không chỉ là sản phẩm của cơ quan nhà nước mà còn là trí tuệ, sáng kiến của nhân dân, tránh tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng pháp luật…