Triển khai đồng bộ, tăng phân cấp, phân quyền

Cập nhật: 28/07/2023 08:54

Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Tây Ninh, Ninh Thuận, Sóc Trăng… nhằm ghi nhận thực tế triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nhật Trường

Văn bản hướng dẫn chậm, nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu

Báo cáo Đoàn giám sát, đại diện các địa phương đều khẳng định, các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, việc giải ngân các nguồn vốn tại địa phương mới đạt tỷ lệ 34,2%. Hiện tỉnh gặp khó khăn trong áp dụng các quy định quản lý, tổ chức thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia, chưa thể giải ngân nhanh dự toán vốn sự nghiệp ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình do chưa có hướng dẫn đầy đủ của Trung ương hoặc còn nội dung hướng dẫn chưa thống nhất giữa các văn bản do Bộ, cơ quan Trung ương ban hành.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn, nguồn lực Trung ương bố trí chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, phần lớn là các xã đặc biệt khó khăn. Các xã vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác, do đó, rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi… Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, nên việc thực hiện Chương trình chủ yếu dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước.

Một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần chưa triển khai thực hiện được trong năm 2022, như nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm.

Tây Ninh phản ánh gặp khó khăn trong lồng ghép nguồn lực thực hiện do các bộ, ngành chưa hướng dẫn rõ nội dung không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp, nhất là nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn khiêm tốn. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. Chưa huy động được nguồn vốn tín dụng và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Các chương trình có nhiều nội dung toàn diện, tổng hợp và thực hiện trong thời gian dài nhưng lực lượng cán bộ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nêu thực tế, nội dung, đối tượng các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều điểm mới, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nên công tác rà soát, xác định tiêu chí tính điểm phân bổ, xác định danh mục dự án đầu tư còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ giao kế hoạch, triển khai thực hiện và giải ngân.

Trao thêm quyền chủ động cho địa phương

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn để địa phương thực hiện đồng bộ, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung còn vướng mắc trong áp dụng các Thông tư, văn bản do cấp Bộ ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, không trái quy định pháp luật.

Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về phân bổ vốn trong xây dựng nông thôn mới; bố trí vốn cho một số Dự án, Tiểu dự án, nội dung hỗ trợ trực tiếp theo nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn hàng năm của tỉnh. Đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo lộ trình phân bổ vốn năm sau nhiều hơn năm trước thì sẽ càng thừa vốn so với thực tiễn đối tượng thụ hưởng, vì vậy có cơ chế giao cho địa phương được phép điều chuyển nguồn vốn từ dự án thừa vốn do không còn đối tượng thụ hưởng sang dự án khác cho phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và đạt tiến độ giải ngân theo quy định…

Liên quan đến kinh phí, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đề xuất cho phép được chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đối với vốn ngân sách địa phương đối ứng năm 2022 sang năm 2023 thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, quy định việc chuyển nguồn kinh phí thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn còn lại được phép chuyển nguồn sang năm sau để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc kiến nghị có các giải pháp để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia mang tính bền vững, hiệu quả. Trong đó, nghiên cứu định hình, định dạng các tiêu chí cứng để xác định công nhận nông thôn mới, còn các tiêu chí mềm để phấn đấu thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương điều hành, điều tiết các nguồn trong chương trình, giữa các chương trình với nhau… Bên cạnh đó, có văn bản hướng dẫn, thống nhất các nội dung được thực hiện đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn để Tây Ninh có cơ sở triển khai thực hiện…

theo Thảo Nguyên – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan