Triển khai quy định mới về công tác cán bộ: Khi có dư luận bức xúc, phải kiểm tra, xử lý nghiêm

Cập nhật: 27/07/2023 09:21

Ngày 26/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN).

Không bố trí người có quan hệ gia đình trong 13 ngành

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” (Quy định 114); Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”.

Quán triệt Quy định 114, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, Quy định 114 thay thế Quy định số 205-QĐ/TW (năm 2019) của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”. Quy định 114 cơ bản kế thừa nhận diện một số hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” tại Quy định 205, đồng thời bổ sung một số hành vi mới như: lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp,… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa, kiểm soát việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, Quy định 114 nêu rõ: không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, bao gồm: thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương…

Người có chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh một số nội dung quan trọng trong các quy định mới của Trung ương. “Người có chức vụ càng cao, càng cần phải gương mẫu, toàn tâm, toàn ý để các quy định của Đảng đi vào cuộc sống. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội cần vào cuộc để giám sát quá trình triển khai, thực hiện quy định. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các địa phương, đơn vị cần kịp thời cụ thể hóa, triển khai bảo đảm sát thực tiễn, đúng quy định”, bà Trương Thị Mai nêu rõ.

Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát; đặc biệt với Quy định 114, khi phát hiện dấu hiệu bất bình thường, có dư luận bức xúc phải kiểm tra, xử lý nghiêm theo Quy định. Có như vậy Quy định 114 mới đi vào thực chất, tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Quá trình triển khai có vướng mắc, khó khăn và vấn đề thực tiễn phát sinh, các đơn vị cần báo cáo, phản hồi để Ban Tổ chức Trung ương kịp thời tổng hợp, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bà Trương Thị Mai cho biết, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”, chúng ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc đổi mới tuyển chọn 438 vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng công khai, minh bạch; đề xuất không xem xét 251 lượt cán bộ diện Trung ương quản lý chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp…; từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, bao che, tiếp tay trong công tác cán bộ.

Thường trực Ban Bí thư lưu ý các ngành, địa phương, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt là 13 ngành đã nêu cụ thể trong Quy định. Theo Thường trực Ban Bí thư, đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người. Ai cũng muốn con em, người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng, chỉ có điều nếu mình là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu. “Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24