Tình hình hối lộ nói riêng và tham nhũng nói chung ở nước ta diễn biến rất phức tạp, đa dạng, tinh vi và thực tế thì chúng ta chỉ xử lý được một phần rất nhỏ. Đây là điều khiến cho Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, cũng là điều dư luận, người dân hết sức bức xúc hiện nay. Năm 2022, qua công tác phát hiện, xử lý, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện riêng tội môi giới hối lộ tăng 200%. Có thể thấy, hiện tượng chạy chức chạy quyền, chạy dự án, chạy trường, chạy tuổi… vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức. “Chạy” thật ra là đưa hối lộ nhưng thường được “ngụy trang” bởi mỹ từ “cảm ơn”. Ngay trong vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn ngụy biện khi nói rằng họ chỉ nghĩ rằng đó là “quà cảm ơn”.
Hối lộ cũng sinh ra tham nhũng vặt. Năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Con số này tăng vọt so với 57,4% của năm 2021 và 54,1% của năm 2019-2020, theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Báo cáo nàycũng cho biết,tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022.
Nói là “vặt” nhưng lại rất nhiều, vì nó diễn ra thường xuyên mọi nơi, mọi lúc nên tính tổng số lại là rất lớn. Điều đáng nói là nạn nhân của “tham nhũng vặt” chủ yếu là những người thu nhập thấp nên ảnh hưởngtrực tiếp đến cuộc sống hằng ngày, miếng cơm manh áo của họ.
Thưa ông, vì sao nạn hối lộ ngày càng nóng, đặc biệt gần đây, trong các đại án tham nhũng thì hành vi đưa và nhận hối lộ vẫn là điểm nhấn, như các vụ AVG, Việt Á, chuyến bay giải cứu, AIC…?
Tôi cho rằng tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Hối lộ ngày càng tinh vi dễ dàng vượt qua tất cả những quy định hiện hành. Hối lộ là hành vi rất khó phát hiện và truy cứu trách nhiệm để xử lý. Điều này càng trở nên khó khăn khi hối lộ liên quan đến vấn đề quà tặng, vốn là hành vi ứng xử bình thường, từ lâu đã thành tập quán ở Việt Nam. Các kết quả khảo sát cho thấy, nhiều trường hợp quà cáp khi đến cơ quan công quyền đã trở thành thói quen được người dân chấp nhận, thậm chí còn bảo nhau: “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Ở Việt Nam có một thực tế, nhiều cán bộ, công chức không đòi hối lộ nhưng tùy vào mức độ dày mỏng của phong bì để quyết định xem có “giúp” hay không.
Cùng một bản chất là hối lộ nhưng hành vi này được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau và tính chất cũng rất khác nhau, nên khó bị phát hiện và xử lý, thậm chí có những loại hầu như không thể xử lý, nhất là khi hành vi này được che đậy dưới các hình thức quà cáp, bồi dưỡng, bôi trơn, cảm ơn, ngoại giao, quan hệ… vốn đang rất phổ biến hiện nay.
Ở nhiều lĩnh vực, cơ chế xin cho vẫn còn tồn tại. Trong nhiều trường hợp, xin cho thực chất là mua bán. Vụ chuyến bay giải cứu là một vụ việc điển hình. Bên cạnh đó, tính chất công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền còn hạn chế. Đây chính là môi trường tốt chophát sinh những hành vi tiêu cực, tham nhũng. Trong vụ chuyến bay giải cứu, các doanh nghiệp và người dân hầu như không biết điều kiện rồi trình tự, thủ tục… để thực hiện các chuyến bay đó như thế nào. Kết quả là ai “chạy tốt, quà nhiều” thì được chọn.
Hối lộ không chỉ gây hậu quả tiêu cực trong một vụ án cụ thể, mà để lại nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội, văn hóa cho cả một cộng đồng. Theo ông, đó là những hệ lụy gì?
Tác hại trực tiếp và gián tiếp của hành vi hối lộ là điều hiển nhiên. Những “lợi ích” nó mang lại chỉ cho một hoặc một nhóm người, đối lập với lợi ích của tuyệt đa số và của trật tự, kỷcương xã hội.
Hối lộ, về lâu dài, có ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước. Bệnh “bôi trơn” có thể bị lây lan sang khắp các lĩnh vực. Nếu “bôi trơn” trở thành phổ biến trong bộ máy nhà nước, người thực thi sẽ coi nơi công quyền và công vụ như một thứ thị trường để tìm kiếm lợi ích phi pháp của cá nhân thay vì một sự tận tâm vì lợi ích chung của cộng đồng.
Hối lộ làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, méo mó hoạt động công quyền, bẻ cong pháp luật và chà đạp lên công bằng xã hội.
Hối lộ làm cho các hoạt động hành chính trở thành nơi sách nhiễu người dân, biến các chủ trương chính sách cởi mở của Nhà nước thành phương tiện làm giàu và cơ quan nhà nước thành nơi ban ơn, mua bán. Tệ hối lộ có thể làm tê liệt hoạt động của chính quyền, biến chính quyền thành nơi làm ăn trục lợi. Tệ hối lộ làm đảo lộn các giá trị đạo đức và văn hóa…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án mạnh mẽ tệ nạn này. Trong một bài viết, Người đã trích dẫn cách hành xử của Lênin để bày tỏ thái độ đối với tệ hối lộ. Người viết: “Ngày 2-5-1918, tòa án nhân dân Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ án hối lộ, Lênin không bằng lòng,và viết: “Không xử bắn lũ ăn của đútlót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, – đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra đểcho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”.
Hối lộ ngày càng tinh vi và trong nhiều trường hợp là một vòng tròn khép kín, rất khó công phá, đấu tranh. Đấu tranh chống hối lộ không chỉ cần đến sự nghiêm minh của pháp luật mà còn phải tính đến yếu tố văn hóa khi mà với nhiều người “bôi trơn” đã thành một thói quen để giải quyết công việc. Theo ông cần những giải pháp nào để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả?
Hối lộ là một hiện tượng phức tạp và là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tệ hối lộ, cần thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý, trong đó phòng ngừa là cơ bản; thực hiện chống cả đưa, nhận và môi giới hối lộ, trong đó, trọng tâm là chống nhận hối lộ. Để phòng ngừa và giảm bớt tình trạng đưa hối lộ, theo tôi cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng.
Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hànhchính, xóa bỏ triệt để cơ chế xin – cho; đẩy mạnh xã hội hóacác dịch vụ công để giảm bớt sự chênh lệch cung-cầu, nguyên nhân chủ yếu của việc chạy chọt, đưa hối lộ. Rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính theo hướng xóa bỏ triệt để cơ chế xin – cho và thực hiện triệt để chế độ phân cấp, phân quyền trong nền hành chính.
Đồng thời phải cải cách chế độ tiền lương để cán bộ, công chức đủ sống và giữ được sự liêm chính. Trước đây, có câu về công chức: “Sáng vác ô đi tối vác về”, theo tôi còn có ý: công chức sống rất bình tĩnh, không phải lo nghĩ nhiều về mưu sinh. Bây giờ nhiều công chức, lương không đủ sống phải tất bật “chân ngoài dài hơn chân trong”. “Đói ăn vụng, túng làm càn”, đó cũng là nguyên nhân thúc đẩy tệ tham nhũng vặt.
Singapore có chủ trương lương phải đảm bảo cuộc sống cho công chức. Họ quan niệm rất rõ, tăng lương là một khoản đầu tư và từ đó nó sẽ hạn chế tham nhũng, khác với các nước khác,tăng lương là theo khả năng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, giảm sự tiếp xúc giữa người quản lý và người bị quản lý có thể xem như một trong những giải pháp quan trọng nhất để chống hối lộ, tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”.
Cùng với đó, một việc không thể thiếu là nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của xã hội trong việc đấu tranh chống hối lộ, nhất là thói quen quà cáp, chạy chọt.
Cần phải có những biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, coi hối lộ là một trong những việc làm xấu xa nhất, làm giàu từ hối lộ là cách làm giàu đáng hổ thẹn nhất. Cần tạo ra trong xã hội tâm lý không chấp nhận đưa hối lộ, không coi việc đưa hối lộ là phương cách để giải quyết công việc của mình. Nếu như trong xã hội người ta mặc nhiên thừa nhận việc dùng tiền để “khoan thủng” các thủ tục hành chính, nói chung là dùng tiền để giải quyết tất cả những công việc của mình ở những nơi công quyền, thì đã đến lúc báo động về một căn bệnh trầm kha mang tính xã hội.
Phải nâng cao ý thức của người dân trong việc hợp tác, cung cấp các thông tin về hành vi nhận hối lộ của cán bộ, công chức cho các cơ quan bảo vệ pháp luật; tạo điều kiện cho công dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước và việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; thiết lập nhiều kênh thông tin, trong đó có kênh thông tin điện tử để thu nhận tin tức từ nhân dân về các hành vi nhận hối lộ.
Luật pháp cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế là trong nhiều trường hợp người dân và doanh nghiệp ở thế yếu hơn bị gợi ý, ép buộc phải đưa hối lộ chỉ để thực hiện đượcquyền lợi hợp pháp của mình như làm sổ đỏ, xin lý lịch tư pháp… Tôi cho rằng cần sửa Luật Hình sự theo hướng hành vi đưa hối lộ cần được mô tả rõ để có sự phân biệt với hành vi đưa hối lộ để đạt được mục đích bất hợp pháp(để được giảm thuế, giảm tội…) với những việc người dân và doanh nghiệp buộc phải quà cáp biếu xén khi giải quyết công việc. Theo tôi, chỉ những người nào đưa hối lộ để đạt đượclợi ích bất hợp pháp mới phải chịu trách nhiệm.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tôi cho rằng Quy định 114được ban hành hết sức kịp thời, đặc biệt trong đó đã chỉ ra những hành vi chạy chức chạy quyền điển hình đang diễn ra, đó là hối lộ dưới nhiều hình thức khác nhau, cả về vật chất và phi vật chất, cả trực tiếp và gián tiếp.
Xin cảm ơn ông!