Loạt bài Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Báo PLVN đã giành Giải A Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII. |
Hạnh phúc, xúc động khi tên PLVN được xướng lên
Phát biểu tại Lễ trao Giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ VIII năm 2023 (tháng 2/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Qua 8 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” đã khẳng định giá trị, sức hấp dẫn, sự lan tỏa đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời khẳng định ý thức chính trị sâu sắc, đạo đức nghề nghiệp và tấm lòng son sắt cách mạng của những người làm báo trong cả nước, xứng đáng như lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.
Với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cá nhân tiêu biểu; những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo; đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Trước đó, tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023 (tháng 11/2023), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII (từ 16/5/2024), Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục vướng mắc với những kẽ hở của chính sách pháp luật, xử lý căn cơ, tận gốc, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực”.
Không chỉ mang trong mình ý thức chính trị, ý thức trách nhiệm của người làm báo trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo PLVN còn ý thức rõ sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Bộ, ngành Tư pháp, ngay từ sớm, mảng chủ đề, đề tài đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng đã luôn được Đảng ủy, Ban Biên tập đề cao, các phòng, ban chuyên môn tập trung triển khai nhiều bài, tuyến bài quan trọng. Và rất vinh dự, tự hào cho những người làm báo PLVN khi tại những giải báo chí quan trọng nói trên, cái tên PLVN đã được xướng lên, được vinh danh.
Loạt bài 5 kỳ “Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” của tác giả Lương Thị Vân Anh (bút danh Vân Thanh) đã vinh dự khi được trao giải cao nhất – giải A Giải báo chí Búa liềm vàng lần thứ VIII năm 2023. Với Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023, Báo PLVN cũng tự hào khi có 2 nhóm tác giả được vinh danh: loạt 3 bài: Cầu nối ý Đảng với chính quyền đã thỏa “cơn khát” lòng dân của nhóm tác giả: Phạm Quốc Cường, Nguyễn Gia Hải, Nguyễn Phong Quang, Nguyễn Trung Kiên được trao giải C; Loạt 3 bài: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Không để “nén bạc đâm toạc công lý”; nhóm tác giả: Lê Đồng, Vân Hương, Đoan Trang; đăng trên Báo PLVN được trao giải Khuyến khích.
Vinh quang làm rạng rỡ những giọt mồ hôi
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam – Tổng Biên tập Báo PLVN chụp ảnh lưu niệm cùng hai nhóm tác giả và các phóng viên. |
Nhà báo Lương Thị Vân Anh chia sẻ: Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, báo chí có vai trò vô cùng to lớn, góp phần phanh phui nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Đặc biệt, thông qua báo chí, hàng loạt giải pháp hữu hiệu đã được đề xuất nhằm bịt kín “kẽ hở” của pháp luật, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm đặc biệt này.
“Còn nhớ năm 2022, khi nghe chúng tôi trình bày ý tưởng về đề tài tham dự Giải Búa liềm vàng, một lãnh đạo Báo đã không khỏi băn khoăn. Nhưng sau khi nghe trình bày, anh đã đồng ý, thậm chí còn khuyến khích, động viên chúng tôi bắt tay ngay vào công việc. Loạt bài của chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân, biểu hiện và những hậu họa khôn lường của các “nhóm lợi ích” trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật, đồng thời khẳng định đây chính là tiền đề “đẻ” ra tham nhũng và vô số những “ung nhọt” khác trong bộ máy nhà nước. Trong quá trình tác nghiệp, một số chuyên gia, học giả được chúng tôi phỏng vấn, ghi nhận ý kiến cũng hoài nghi: “Tôi sẵn sàng trả lời, thậm chí còn có cả những con số. Nhưng liệu Báo PLVN có dám đăng hay không?”. Câu hỏi này đã được chúng tôi trả lời một cách rõ ràng và thuyết phục trong loạt bài 5 kỳ “Chống lợi ích nhóm trong xây dựng và áp dụng pháp luật”. Loạt bài sau đó đã đoạt giải C trong Lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VII”, nhà báo Lương Thị Vân Anh tự hào kể.
Thời gian qua, dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác nội chính – vốn được coi là cần phải trong sạch, liêm chính nhất… Thực trạng trên đã thôi thúc nhà báo của Báo PLVN dày công tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia, các nhà làm luật… để hoàn thiện loạt bài 5 kỳ “Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Ngay khi vừa “ra lò”, các bài viết đã nhận được rất nhiều hồi âm tích cực từ độc giả và các cơ quan chức năng. Đó chính là những thành công bước đầu từ hiệu ứng mà bài báo mang lại. Với một thực trạng nhức nhối đã tồn tại nhiều năm và chưa có chiều hướng thuyên giảm, qua các bài viết, Báo PLVN không tham vọng sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra trong nay mai, nhưng luôn tin tưởng và kỳ vọng loạt bài sẽ đóng góp một tiếng nói, hiến kế cho Đảng và Nhà nước một giải pháp sát thực tế để thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết vấn đề; củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự kiên quyết, kiên trì trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước.
Trong khi đó, tuyến bài “Cầu nối ý Đảng với chính quyền đã thỏa “cơn khát” lòng dân” – Giải C Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ IV của nhóm tác giả thuộc Ban Pháp luật – Bạn đọc phối hợp cùng Trung tâm Mạng xã hội Báo PLVN, là một trong số rất ít các tác phẩm thông tin, phản ánh về chính sách, chủ trương của địa phương chưa phù hợp với thực tế khiến hàng nghìn hộ dân hoang mang, lo lắng.
Mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng của nghề, nhóm phóng viên đã vượt qua những chặng đường dài, không ngại gian khổ, “quệt đi bụi và mồ hôi lấm tấm trên trán” lăn xả nơi thực tế hiện trường, thu thập hồ sơ, tài liệu, nghiên cứu, đối chiếu kỹ lưỡng với quy định của pháp luật. Đó là cơ sở để đăng tải bài viết, thông tin, nói lên “những tiếng thở dài của người dân”, từ đó, làm “cầu nối” để các cấp chính quyền tại địa phương sửa đổi chủ trương, chính sách một cách phù hợp nhất, thuận lợi nhất giúp Nhân dân được bảo đảm quyền và lợi ích, vững niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Là một trong những người lên ý tưởng cho tuyến bài, nhà báo Phạm Quốc Cường chia sẻ: “Sau khi quyền lợi của 1.430 hộ dân được bảo đảm, người dân nhờ vậy mà an lòng, tôi thấy hạnh phúc và tự hào về nghề mà mình đã chọn. Một lần trở lại thăm bà con ở TP Hạ Long, được nghe anh Phạm Xuân Tùng (trú tại tổ 7, khu 3A phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) xúc động chia sẻ: “Cảm ơn nhà báo, bà con chúng tôi cảm ơn nhà báo”, tôi càng cảm nhận sâu sắc sứ mệnh, ý nghĩa cao cả và thiêng liêng của người làm báo”.
… Tự hào với nghề, tự hào khi tên mình, tên PLVN được xướng lên tại các giải báo chí, được góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung nhưng những người làm báo PLVN luôn tâm niệm phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, làm rạng rỡ thêm cho cái tên PLVN.
“Nhà báo không đơn thuần chỉ là “người thư ký trung thành của thời đại”, mà cao hơn, phải đóng vai trò kiến tạo, là “kiến trúc sư” của những ý tưởng, sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Nói cách khác, viết báo không hẳn là nghề nghiệp, đó còn là sứ mệnh, đòi hỏi người làm báo có ý thức xã hội và trách nhiệm nghề nghiệp rất cao” – nhà báo Lương Thị Vân Anh tâm niệm.