Cử tri, người dân 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương có nhiều phản ánh về chất lượng mặt đường dẫn và cầu vượt sông Sài Gòn kết nối tỉnh Tây Ninh – Bình Dương bị hư hỏng, có dấu hiệu xuống cấp. Đây là dự án có vốn đầu tư công, được phê duyệt cuối năm 2019, đến giữa năm 2020 thì khởi công xây dựng. Cuối tháng 12.2022, dự án được khánh thành đưa vào sử dụng.
Với dự án này, tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm đầu tư dự án “Nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét – Bến Củi” chiều dài hơn 12 km, kinh phí thực hiện hơn 510 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm đầu tư dự án “Xây dựng đường và cầu kết nối hai tỉnh”. Theo thiết kế được duyệt, dự án là công trình giao thông cấp II, có quy mô 6 làn xe với mặt cắt ngang 25,5m cùng dải an toàn, lề bộ hành, gờ chắn và lan can. Điểm đầu và điểm cuối của công trình được xây dựng tại huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Dự án có chiều dài hơn 800m, trong đó phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài 377,7m và phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92,2m.
Điểm đầu dự án giao với đường ĐT744, thuộc khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, điểm cuối đấu nối vào dự án Đường Đất Sét – Bến Củi thuộc huyện Dương Minh Châu của tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, sau khoảng 8 tháng đưa vào sử dụng, mặt đường đã xuất hiện các dấu hiệu hư hỏng như ổ gà, “sống trâu”, nhựa đường bị cày xới lên ở gần vị trí làn đường dành cho xe máy và ô tô hướng từ tỉnh Tây Ninh về Bình Dương, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.
Ghi nhận thực tế cho thấy, phần mặt đường bị hư hỏng có đá nhỏ và nhựa kết dính khá kém. Mỗi ngày, lưu lượng phương tiện lưu thông qua lại khiến mặt đường bị bong tróc nhiều hơn.
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương xác nhận có tình trạng hư hỏng tại tuyến đường dẫn và cầu nối tỉnh Tây Ninh – Bình Dương. Hiện đơn vị thi công đã thực hiện việc sữa chữa, dặm vá, khắc phục, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Nói về nguyên nhân, ông Trần Hùng Việt cho rằng có thể do quá trình vận chuyển của các phương tiện có tải trọng khi lưu thông qua khu vực cầu. Hiện nay dự án đang trong thời gian bảo hành, việc hư hỏng, xuống cấp là trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Vì vậy, chủ đầu tư dự án bắt buộc đơn vị thi công phải khắc phục lại.
Dự án cũng đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng nhưng chưa có đơn vị nào nhận bàn giao, quản lý về tải trọng, duy tu bảo dưỡng, vệ sinh và kiểm soát về vấn đề xe quá khổ quá tải đi qua khu vực cầu.
“Muốn đánh giá về các hư hỏng của mặt đường và cầu, cần phải có thêm dữ liệu để đánh giá chất lượng của công trình này như thế nào. Công trình dự án đã được nghiệm thu đạt yêu cầu, đúng với hồ sơ thiết kế rồi. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, sử dụng, cả một tuyến đường thì không thể tránh khỏi việc hư hỏng, xuống cấp. Vì thế, dự án vẫn còn thời hạn 1 năm bảo hành, bắt buộc đơn vị thi công phải khắc phục lại”, ông Việt thông tin.
Theo ông Việt, hiện nay Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đang làm thủ tục bàn giao dự án, phía tỉnh Bình Dương sẽ bàn giao công trình dự án cho Phòng Quản lý đô thị huyện Dầu Tiếng quản lý, còn phía tỉnh Tây Ninh cũng đã tổ chức họp giữa Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương để thống nhất tên gọi của cây cầu, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý, bảo hành và duy tu sửa chữa đoạn đường thuộc địa bàn mình.
Được biết, đơn vị thi công dự án là liên doanh Công ty Cổ phần Đại Thiên Trường và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492.
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Đại biểu Nhân dân đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đại Thiên Trường để thông tin được cụ thể, khách quan nhưng chưa được hồi âm.
Công ty Cổ phần Đại Thiên Trường cũng là đơn vị vừa trúng 1 trong 4 gói thầu (Gói thầu XL2 ) thi công xây dựng nút giao Bình Chuẩn đoạn từ Km43+680 đến Km45+000 của Dự án thành phần 5 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, liên danh Công ty CP Đại Thiên Trường – Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn với giá trúng thầu 557,165 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm ngân sách gần 0,3%; thời gian thực hiện hợp đồng 900 ngày.
Liên danh Công ty CP Đại Thiên Trường – Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thái Sơn trúng thầu cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu, vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật với tổng số điểm 89,75/100 điểm.
Gói thầu XL2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm Chủ đầu tư, là 1 trong 4 gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 5 (tổng mức đầu tư 5.752 tỷ đồng).
* Báo Đại biểu nhân dân tiếp tục giám sát, thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.