‘Tuýt còi’ quy định tạm dừng chia tách thửa đất: Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất!

Cập nhật: 10/05/2023 08:39

Vừa qua, Hà Nội đã phải dừng quy định không cho người dân chia tách thửa đất sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) lên tiếng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương triển khai quy định này, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Nhiều địa phương quy định tạm dừng chia tách thửa đất. (Ảnh minh họa. Nguồn TTXVN)


Kịp thời xử lý sau ý kiến của Bộ Tư pháp

Hơn một năm trước, ngày 22/3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội đã ban hành Công văn 1685 về đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Trong đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Với quy định này, giữa tháng 4/2023 vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị tự kiểm tra, xử lý Công văn số 1685. Theo Cục Kiểm tra văn bản QPPL, việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tách thửa đất được đề cập tại Công văn số 1685 không bảo đảm cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền của Sở TN&MT. Ngoài ra, điều này có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Công văn số 1685 của Sở TN&MT là văn bản hành chính có chứa QPPL nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Từ những phân tích trên, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức việc tự kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản.

Liên quan đến việc Bộ Tư pháp “tuýt còi” văn bản tạm dừng tách thửa đất của Hà Nội, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã giao Đoàn kiểm tra công vụ TP chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP, Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra công vụ đối với Sở TN&MT trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của UBND TP đã giao; việc tạm dừng thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Kết quả kiểm tra báo cáo Chủ tịch UBND TP và kiến nghị Chủ tịch UBND TP có biện pháp xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm (nếu có).

Thực hiện các văn bản của Cục Kiểm tra văn bản QPPL, văn bản của Văn phòng UBND TP Hà Nội và văn bản của Sở Tư pháp Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội đã bãi bỏ Công văn số 1685 được ban hành ngày 22/3/2022. Để bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn đúng quy định pháp luật, Sở đề nghị các địa phương, các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định hiện hành. Cụ thể, xem xét, giải quyết việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất theo Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP và Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT của Bộ TN&MT và Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Cần tiếp tục đôn đốc xử lý quy định tương tự tại một số địa phương

Như vậy, Hà Nội đã vào cuộc rất nhanh để xử lý Công văn số 1685 sau yêu cầu tự kiểm tra, xử lý của Cục Kiểm tra văn bản QPPL. Tuy nhiên, hiện vẫn còn địa phương thực hiện quy định tương tự rất cần Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc xử lý.

Cụ thể, mới đây, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về một số văn bản do UBND tỉnh ban hành liên quan đến việc xem xét, giải quyết hồ sơ phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh này. Tại buổi làm việc, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã phân tích, thông tin về kết quả kiểm tra văn bản theo thẩm quyền và ý kiến của đại diện một số bộ liên quan về tính pháp lý trong các văn bản do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành liên quan đến việc xem xét, giải quyết hồ sơ phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đồng thời xác định phương án xử lý đối với các văn bản này theo quy định của pháp luật.

Thay mặt cơ quan ban hành văn bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp nêu rõ thực trạng của địa phương trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ phân lô, tách thửa và quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản làm cơ sở thực tiễn để ban hành các văn bản nêu trên. Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, UBND tỉnh Lâm Đồng trân trọng cảm ơn và thống nhất với phương án rà soát, xử lý văn bản mà Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL nêu tại buổi làm việc; đồng thời đề nghị Cục tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương trong quá trình rà soát, hoàn thiện các văn bản, bảo đảm đúng pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Còn theo phản ánh của một số người dân tại Hà Nam, địa phương này cũng đang dừng chia tách thửa, gây khó khăn cho người sử dụng đất trong việc thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình. Có trường hợp người sử dụng đất được bố mẹ (đã mất) để lại cho các anh, chị, em thừa kế di sản, nhưng đến nay chưa được giải quyết tách thửa để hoàn thiện việc phân chia di sản thừa kế; có trường hợp người dân muốn tách thửa để mua bán kinh doanh; có người cần tách thửa để thế chấp phần đất này lấy tiền làm ăn…

Các trường hợp này cho hay, việc tạm dừng chia tách được triển khai theo Văn bản số 2482/UBND-NN&PTNT ngày 5/9/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP và các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ việc chia tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Trước mắt, tạm dừng việc chia tách đối với các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân trong thời gian tỉnh đang rà soát quy hoạch tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trừ các trường hợp đặc biệt và thực sự cần thiết.

Tin liên quan