Đề nghị xử phạt nhiều mức án nghiêm khắc
Theo đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt 36 bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1975) mức án từ 7 – 8 năm tù và Lê Quang Hào (SN 1976) mức án từ 6 – 7 năm tù cùng là Phó Tổng Giám đốc VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở cùng về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhóm Ban quản lý dự án gồm: Hoàng Việt Hưng (Giám đốc) mức án từ 9 – 10 năm tù; Nguyễn Tiến Thành, Hà Văn Bình (Giám đốc) mức án từ 6 -7 năm tù; Đỗ Ngọc Ân, Lê Nhiều (Phó Giám đốc) mức án từ 5 – 6 năm tù.
Nhóm các nhà thầu thi công: Vũ Như Khuê (Giám đốc Ban điều hành) mức án từ 7 – 8 năm tù; Cao Hừng Đông và Nguyễn Mạnh Cường đều nguyên là Phó Giám đốc Ban điều hành) mức án từ 5 – 6 năm tù; Quản Trọng Tuấn (Giám đốc Ban điều hành) mức án từ 3 – 4 năm tù; Võ Quốc Thiều mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Phan Ngọc Thơm mức án từ 24 – 30 tháng tù đều nguyên là Phó Giám đốc Ban điều hành.
Phan Khánh Toàn (Giám đốc Ban điều hành) mức án từ 7 – 8 năm tù; Đỗ Tấn Nam (nguyên Giám đốc Ban điều hành của Công ty Tuấn Lộc) mức án từ 5 – 6 năm tù; Nguyễn Văn Cảnh (nguyên Giám đốc Ban điều hành của Công ty Thăng Long) mức án từ 4 – 5 năm tù; Vũ Dũng mức án từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Đào Văn Hoành mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đều là cựu Giám đốc Ban điều hành của Tổng Công ty Sông Đà; Phạm Đình Phú (nguyên Giám đốc Ban điều hành Liên danh) mức án từ 7-8 năm tù; Lương Chung Dũng (nguyên Chỉ huy trưởng phụ trách thi công của Công ty Thành Phát) mức án từ 30 – 36 tháng tù; Nguyễn Thành An và Nguyễn Hồng Phước đều là nguyên Phó Giám đốc Ban điều hành Liên danh cùng bị đề nghị mức án xử phạt từ 5 – 6 năm tù.
Với nhóm kỹ sư tư vấn giám sát: Takao Inami (quốc tịch Nhật Bản, Tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng nhà thầu tư vấn giám sát) chính sách ngoại giao, nhân đạo, người già cả… nên đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự, đề nghị trục xuất bằng con đường ngoại giao; Hoàng Trung Hậu mức án từ 4 – 5 năm tù, Nguyễn Tấn Chánh mức án 30 – 36 tháng tù; Lê Công Bằng mức án từ 5 – 6 năm tù; Quách Văn Phúc mức án từ 4 – 5 năm tù; Phan Doãn Giang mức án 4 – 5 năm tù; Đào Trọng Hiếu mức án từ 4 – 5 năm tù; Nguyễn Đức Dũng mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Bá Giang mức án từ 24 – 30 tháng tù; Lã Văn Hải mức án từ 24 – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Kiều Đức Công mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Trung Thu mức án từ 30 – 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Phạm Lê Bắc mức án từ 24 – 30 tháng tù và Phạm Văn Bảo mức án từ 36 – 40 tháng tù cùng về tội danh như đã nêu trên.
Đối với dân sự, buộc các nhà thầu bồi thường VEC số tiền 811 tỷ đồng, dành quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường của các nhà thầu trong vụ án khác.
Hành vi sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại lớn
Theo nhận định của VKS, hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quản lý kinh tế, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, nhiều bị cáo đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân; nhân thân chưa có tiền án tiền sự, có thành tích tốt trong công tác.
Đại diện VKS cho rằng cần có mức án tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, VKS cũng phân tích vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo để đề nghị mức án phù hợp với hành vi phạm tội.
Theo đó, VKS nhận định hành vi sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại lớn. Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) khai báo quanh co, đổ trách nhiệm cho cấp trên, cấp dưới. Tuy nhiên, đến giai đoạn truy tố, xét xử, bị cáo đã khai báo rõ hành vi sai phạm của mình.
Trong khi đó, bị cáo Lê Quang Hào (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) được VKS xác nhận đã khai báo rõ hành vi sai phạm, nhận thức rõ vai trò của của bản thân, hợp tác tốt với CQĐT. Với các bị cáo còn lại, VKS cho rằng các bị cáo đã khai báo, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân…
Theo đại diện VKS, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án được khởi công năm 2013, đến năm 2017 thì hoàn thành thông xe, được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn I – 65km từ TP.Đà Nẵng đến TP.Tam Kỳ; ngày 2/9/2018 hoàn thành thông xe, được đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn II – 74,2 km từ TP Tam Kỳ – Quảng Ngãi.
Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Cơ quan tố tụng kết luận VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.
Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỉ đồng cho các đơn vị thi công dự án.
Đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi), theo VKS, bị cáo Hùng đã có những hành vi sai phạm pháp luật.
Cụ thể, tại một số phân đoạn của gói thầu (1,2,4,7), bị cáo Hùng đã không thực hiện nghiệm thu chuyển giai đoạn sau khi thi công xong lớp đất K98; đối với các gói thầu (1,2,3B,4) cho chuyển sang công nghệ thi công Novachip khi VEC và các đơn vị liên quan chưa nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả của công nghệ này… Hành vi của Nguyễn Mạnh Hùng và đồng phạm gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm với số tiền hơn 422 tỉ đồng.
Lê Quang Hào (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) bị VKS xác định đã tiến hành nghiệm thu công trình, hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không đúng quy định của pháp luật trong khi còn 5/7 gói thầu chưa hoàn thành thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám VTO/Novachip, thậm chí cả lớp bê tông nhựa hạt mịn và bê tông nhựa hạt trung.
Ngoài ra, Lê Quang Hảo còn cho áp dụng công nghệ thi công lớp bê tông nhựa tạo nhám VTO sang công nghệ thi công Novachip trong điều kiện VEC và các đơn vị liên quan chưa nghiên cứu, thử nghiệm hiệu quả của công nghệ này, không thông qua đơn vị Tư vấn thiết kế kỹ thuật… Hành vi của Lê Quang Hào cùng đồng phạm đã gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 389 tỉ đồng.
theo Mạnh Hùng – Báo Công lý