Bị cáo Phạm Trung Kiên. |
Sáng 18/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục diễn ra với phần tranh luận. Trong phần này, HĐXX cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) và các luật sư bào phát biểu bài bào chữa cho bị cáo.
Cựu Thư ký bật khóc xin án tù
Được tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên nói: “Bị cáo xác nhận những hành vi phạm tội của bị cáo như cáo trạng nêu là đúng. Bị cáo rất ăn năn hối lỗi. Qua đây, bị cáo xin gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân vì những hành động sai trái của mình”.
Sau đó, bị cáo Kiên nói mình không gây khó khăn gì cho các doanh nghiệp. Theo lời bị cáo Kiên, trong tổ công tác 5 Bộ, các Lãnh đạo Bộ có 1 group viber để các lãnh đạo Bộ trao đổi với nhau.
“Khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi xin ý kiến các Bộ còn lại về kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo thì anh Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng đều có thông báo trên group đó là ngày hôm nay Bộ Ngoại giao có văn bản xin ý kiến các Bộ về tổ chức chuyến bay, đề nghị lãnh đạo các Bộ quan tâm, sớm có ý kiến trả lời cho Bộ Ngoại giao. Đến gần ngày trả lời công văn Bộ Ngoại giao, anh Tô Anh Dũng, Đỗ Hoàng Tùng lại nhắc những Bộ nào chưa có ý kiến trả lời cho Bộ Ngoại giao. Căn cứ nội dung đó, có thể thể hiện 1 phần công việc của chuyến bay combo, là bị cáo không thể nào có hành động làm chậm tiến độ của chuyến bay combo, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, bị cáo Kiên nói.
Sau đó, bị cáo Kiên viện dẫn, nhắc đến nhiều doanh nghiệp chủ động gặp mình để đưa tiền cảm ơn chứ không phải do bị cáo ép buộc họ đưa tiền. Cụ thể, bị cáo Kiên viện dẫn trường hợp của anh Lê Văn Nghĩa. “Trong quá trình thực hiện chuyến bay combo, anh Nghĩa có gọi cho bị cáo nói, anh đang ở trong Khánh Hòa, anh biết thời gian qua, em và Bộ Y tế có tạo điều kiện cho anh. Anh chưa gặp được, khi nào có chuyến bay trong nước thì anh ra gặp em. Khoảng 1 tháng sau thì anh ấy ra gặp, đưa tiền cho bị cáo”, bị cáo Kiên nói.
Tiếp lời, Kiên phân bua, trường hợp khác là Nguyễn Tiến Mạnh, Phan Thị Mai… cũng gặp và đưa tiền cảm ơn cho bị cáo. Tuy nhiên, Kiên khẳng định bản thân không ép bức doanh nghiệp đưa tiền.
Về số tiền 15 tỷ đồng liên quan đoàn khách lẻ, theo lời bị cáo Kiên, khi bị cáo nhận thức được hành vi của mình liên quan chuyến bay combo, bị cáo chủ động khai báo. Sau khi bị cáo nhận tội với Cơ quan điều tra, trước khi phiên tòa được mở ra, bị cáo cũng tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra. “Bị cáo xin HĐXX xem xét đến tình tiết thành khẩn, chủ động khai báo để cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ”, bị cáo Kiên nói.
Trước khi dừng lời, bị cáo Kiên nói thời điểm phạm tội, ngay khi dịch nổ ra ở Hà Nội và các tỉnh khác, bị cáo thường xuyên tháp tùng Thứ trưởng đi công tác, đến các vùng có dịch… do vậy, bị cáo bị cuốn vào guồng công việc, không nhận thức được hành vi sai trái của mình khi nhận tiền của các doanh nghiệp. “Nguyện vọng của bị cáo là tích cực khắc phục 100% để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Xin HĐXX xem xét lại tội danh cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng án tù để có cơ hội trở về”, bị cáo Kiên bật khóc.
Luật sư đề nghị chuyển tội danh
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, luật sư cho rằng VKS chưa đánh giá đầy đủ bản chất sự việc. Theo luật sư, hành vi của bị cáo Kiên xảy ra ở việc cấp phép chuyến bay combo và chuyến bay đơn lẻ. Bị cáo có hành vi vi phạm pháp luật, nhận tiền của doanh nghiệp, tuy nhiên, theo luật sư, hành vi của bị cáo Kiên chưa thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội “Nhận hối lộ”. Bởi thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và dự thảo trả lời Bộ Ngoại giao là Cục Y tế dự phòng.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án tại tòa. |
“Bị cáo Kiên hoàn toàn không thể quyết định việc trả lời văn bản của Bộ Ngoại giao vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu”, luật sư nói. Sau một hồi phân tích, luật sư cho rằng bản chất của hành vi phạm tội của bị cáo Kiên không cấu thành tội “Nhận hối lộ” mà cấu thành tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.
“Nếu VKS vẫn xác định bị cáo nhận hối lộ, đề nghị VKS xem xét, đánh giá lại bản chất sự việc liên quan đến quy trình, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo”, luật sư nói và cho rằng 1 trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó có Kiên là do bất cập trong xét duyệt thẩm quyền cấp phép chuyến bay. Tại Bộ Y tế không có quy trình xét duyệt hồ sơ cấp phép chuyến bay….
Liên quan đến số tiền 15 tỷ đồng khách đơn lẻ, luật sư cho rằng đây là số tiền mà bị cáo Kiên đã chủ động khai với cơ quan điều tra. Thực tế, đây là chứng cứ duy nhất trong vụ án này, để thực hiện giai đoạn 2 mở rộng điều tra vụ án. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đối với người phạm tội tự thú hoặc tình tiết tích cực khai báo để hỗ trợ điều tra.
Mặt khác, bị cáo Kiên còn có những tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo; bị cáo đã trả cho doanh nghiệp 12 tỷ đồng, gia đình khắc phục được 15 tỷ đồng; sáng 18/7, vợ bị cáo khắc phục thêm 8 tỷ đồng, đồng thời có đơn gửi HĐXX liên quan đến căn nhà đang bị kê biên mong muốn HĐXX có biện pháp phát mại, tịch thu để xử lý bồi thường cho bị cáo Kiên; bị cáo đạt chiến sỹ thi đua trong quá trình công tác, có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch được Chính phủ tặng bằng khen…
Bản thân bị cáo có bệnh tật, cha mẹ già yếu, con nhỏ cần có sự chăm sóc của bố, bố mẹ già yếu, bố mẹ hai bên đều là thương binh, lão thành cách mạng, là những nhà khoa học lớn trong ngành y…
Trước khi dừng lời, luật sư đề nghị HĐXX, VKS xem xét toàn diện, đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan toàn bộ vụ án. Đề nghị HĐXX cho bị cáo hưởng mức tù có thời hạn để bị cáo có cơ hội sớm trở về với gia đình và xã hội.
Luật sư khác cũng đề nghị HĐXX chuyển tội danh cho bị cáo sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”./.