Xác định rõ hơn phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

Cập nhật: 28/05/2024 15:12

Đánh giá cao dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cần xác định rõ hơn phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về bảo hiểm xã hội; đánh giá hiệu quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm xã hội; những quy định về quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong dự thảo Luật đã đủ chưa hay cần phải cụ thể hơn, rõ hơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh): Làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

Khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật quy định Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội được tổ chức ở cấp quốc gia, có trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội và tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong quản lý bảo hiểm xã hội
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, một số quy định tại Điều 19 về trách nhiệm của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội không chỉ dừng lại ở trách nhiệm giám sát, tư vấn mà thêm vai trò quyết định như: khoản 2 và khoản 4 quy định: “Hội đồng thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm, tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm, đề án và phương án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm, dự toán hằng năm về thu, chi, mức chi và báo cáo quyết toán về chi liên quan đến các quỹ bảo hiểm xã hội, chiến lược đầu tư và phương án đầu tư hằng năm, trước khi cơ quan bảo hiểm xã hội trình cơ quan có thẩm quyền”. Như vậy, Hội đồng không thông qua báo cáo thì cơ quan bảo hiểm xã hội không trình được cơ quan có thẩm quyền. Do đó, không phù hợp với vai trò giám sát, tư vấn của Hội đồng quản lý. Đề nghị cần làm rõ nội hàm “thông qua” trong các quy định này.

Khoản 3 quy định “Hội đồng quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư cụ thể của các Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội”.

Tôi cho rằng, danh mục, cơ cấu, phương thức đầu tư của các quỹ bảo hiểm là rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự an toàn, bền vững, phát triển của các quỹ bảo hiểm xã hội trong luật này. Hơn nữa, đây cũng là một trong những nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 6 Điều 134 dự thảo Luật. Do đó, chủ thể quyết định những vấn đề này phải gắn với thẩm quyền quản lý nhà nước.

Việc quy định Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về danh mục, cơ cấu, phương thức đầu tư các quỹ Bảo hiểm là chưa phù hợp. Vì Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội không thuộc cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan tham gia phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 135 dự thảo Luật.

Các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 19 không phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ với trách nhiệm của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đề nghị cần xác định rõ hơn về phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý về bảo hiểm xã hội để tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Trợ cấp hưu trí xã hội là nội dung mới được đưa vào trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này. Tôi thống nhất rất cao với những quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật, tuy nhiên còn một số băn khoăn cụ thể về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp xã hội tại Điều 20.

Xác định rõ hơn phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước -0
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thứ nhất, về độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều 20 của dự thảo luật quy định là đủ 75 tuổi trở lên. Theo tôi, độ tuổi này là cao so với độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi. Do đó, theo tôi nên tính toán hạ độ tuổi này xuống cho phù hợp với thực trạng độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay, để chính sách này thực sự là mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.

Thứ hai, về điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đề nghị sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 20 theo hướng bổ sung thêm các điều kiện như: không có các khoản thu nhập ổn định khác”. Vì thực tế hiện nay có những người đã thỏa mãn được 2 điều kiện tại điểm b khoản 1 nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác. Ví dụ như nguồn hỗ trợ của con hoặc là các nguồn thu nhập hợp pháp khác nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Mặc dù tại điểm g khoản 2 Điều 9 quy định người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có quyền từ chối hưởng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên tôi thấy rằng quy định này không thu hẹp được đối tượng được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20.

Từ những vấn đề trên, tôi kiến nghị sửa lại khoản 1 Điều 20 theo hướng: hạ điều kiện về độ tuổi bằng hoặc thấp hơn độ tuổi trung bình của đất nước ta hiện nay. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương): Cần đánh giá hiệu quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm xã hội

Tôi nhất trí với việc đề xuất cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tại Điều 41 dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 3 điều này có quy định: đối với những trường hợp người lao động phải tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hằng tháng vì người lao động được chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì tôi rất băn khoăn.

Xác định rõ hơn phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước -0
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đề nghị cần làm rõ và đánh giá kỹ quy định trên. Vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động đã bị mất một khoản tiền lớn, để được hưởng bảo hiểm xã hội thì phải đóng bù vào phần của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng và đóng cả phần của mình đã bị doanh nghiệp trừ lương của họ trước đó để đóng bảo hiểm xã hội nhưng không nộp vào quỹ. Nhìn chung, người lao động muốn được hưởng thì phải đóng hơn 40% tiền lương của mình vào. Do vậy, nếu quy định như trên sẽ gây bức xúc lớn hơn cho người lao động và dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp nợ, cơ quan nhà nước không có giải pháp xử lý lại để người lao động phải bỏ tiền đóng thay? Đây cũng là nguyên nhân người lao động rời bỏ bảo hiểm xã hội.

Tôi rất đồng tình với các ý kiến trước, cần phải dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho các trường hợp này. Để thực hiện được nguồn quỹ này, có thể trích từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận từ đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội để thực hiện vào nguồn quỹ này. Đồng thời, cần đánh giá tính hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội giao trách nhiệm tại khoản 3 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thời gian qua có thật sự đem lại hiệu quả chưa hay còn hình thức. Trong dự thảo lần này, những quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội được quy định ở Điều 16, Điều 17 đã đủ chưa hay cần phải quy định cho cụ thể hơn, rõ hơn nữa.

theo Nguyễn Bình ghi – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan