Kỹ sư Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) kiểm tra, sửa chữa các loại máy bay, bảo đảm việc khai thác tại sân bay Nội Bài. (Ảnh THẾ ĐẠI) |
Thứ hạng này phản ánh cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Không ngừng cải thiện
Kể từ năm 2017, khi Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành với việc giao chỉ tiêu, phân công trách nhiệm về Chỉ số đổi mới sáng tạo cho từng bộ, cơ quan thì Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu liên tục được cải thiện.
Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta tiếp tục duy trì vị trí thứ hai. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Ca, chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, việc Việt Nam nhiều năm liền là nước dẫn dắt về chỉ số đổi mới sáng tạo trong nhóm các nước có cùng mức độ kinh tế cho thấy sự ổn định và hiệu quả của các chủ trương, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như sự quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực thời gian qua.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu sẽ tác động tích cực đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là thu hút các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ. Thứ hạng này khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Với kết quả năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.
Điều đó cho thấy hiệu quả của việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột “Nguồn nhân lực và nghiên cứu”.
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được “đo” trên 7 trụ cột lớn, trong đó có khoảng 70-80 chỉ số thành phần.
Năm nay, Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu là: Nhập khẩu công nghệ cao; Xuất khẩu công nghệ cao; Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Lần đầu tiên, chỉ số “Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo” của nước ta đạt được vị trí số 1 thế giới (năm 2023 ở vị trí thứ 7). Chỉ số này là sản phẩm đầu ra của đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, các chỉ số về đầu tư mạo hiểm có xu hướng phát triển rất tốt, với số thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng 27 bậc, xếp thứ 50/133 quốc gia; số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc, lên vị trí 44/133 quốc gia.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chỉ số đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu vì phản ánh khả năng cung cấp nguồn vốn và mức độ hỗ trợ tài chính cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Thành công này đến từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là các chính sách phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ khu vực viện, trường, thúc đẩy các xu hướng đầu tư vào công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ, tổ chức các sự kiện khởi nghiệp sáng tạo với các quy mô khác nhau.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, những cải thiện tích cực trong Chỉ số đổi mới sáng tạo là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Ba nhóm giải pháp để cải thiện chỉ số
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 cho thấy, có hai nhóm chỉ số trụ cột mà chúng ta chưa cải thiện là chỉ số về “Thể chế” và “Nguồn nhân lực và nghiên cứu”.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, các vấn đề về thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là chỉ số về “Chất lượng các quy định pháp luật” chỉ xếp hạng 95/133 quốc gia.
Về “Nguồn nhân lực và nghiên cứu” thì nhóm chỉ số về “Giáo dục” chưa có nhiều cải thiện, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên trong và ngoài nước, mô hình giáo dục cần phải được đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cần phát huy vai trò của khu vực đại học trong hợp tác với khu vực doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần chú ý chỉ số về “Hạ tầng ICT” do chưa có chuyển biến đáng kể, xếp hạng 72/133 quốc gia, chưa đạt mục tiêu cải thiện chỉ số mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Cũng trong Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, Việt Nam còn 3 chỉ số chưa có dữ liệu và 12 chỉ số sử dụng dữ liệu không cập nhật. Tình trạng này ảnh hưởng đến điểm tổng hợp, do đó cũng ảnh hưởng đến chỉ số đổi mới sáng tạo.
Theo một chuyên gia về đổi mới sáng tạo, dữ liệu của Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được tính toán từ số liệu thứ cấp, là kết quả đã được thu thập và phân tích trực tiếp hoặc đã được tính toán tổng hợp bởi các tổ chức quốc tế, với khoảng 30 nguồn dữ liệu được sử dụng, do đó, các bộ, ngành cần cập nhật dữ liệu để việc đánh giá khách quan, chính xác.
Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của nước ta là Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới.
Để duy trì và tiếp tục cải thiện thứ hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu một cách bền vững, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển.
Theo đó, có 3 nhóm giải pháp cần triển khai ngay để cải thiện chỉ số trong năm tới.
Thứ nhất, cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù, tạo thuận lợi cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, nâng cao năng lực của doanh nghiệp để chủ động tiếp thu, hấp thụ tốt các công nghệ tiên tiến của thế giới; ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba, các bộ, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần xác định và triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện các chỉ số có thứ hạng thấp trong nhiều năm liền; các địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, qua đó góp phần cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.